Đường về quê ngày Tết

2 năm trước 258

Ở các bến xe, chỉ cần ra khỏi bến, nhiều xe tranh thủ “ăn chuyến”, nhồi khách để bù chiều chạy rỗng. Có xe “tải” gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi số người cho phép. Và câu nói quen thuộc của lái xe lẫn phụ xe: “Các bác thông cảm, ngày Tết nó thế. Chiều về thì đông thật, nhưng chiều lên chúng cháu chạy xe không. Các bác chịu khó ngồi chật một tí, giá vé nhỉnh lên một tí, để tất cả đều có thể về nhà ăn Tết!”. Những ai làm ăn xa, ngày Tết đi xe khách về quê mới hiểu! 

Chú thích ảnhMột gia đình di chuyển từ đường Giải Phóng (Hà Nội) hướng đi Quốc lộ 1. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Nhiều người vì thế đã chọn giải pháp đi xe máy về quê. Không ít người phải đi đêm, cả đoàn rồng rắn nối đuôi nhau, có xe chất lên cả nhà gồm bố mẹ và hai con nhỏ cùng lỉnh kỉnh đồ đạc, bọn trẻ thì ngủ gà ngủ gật dọc đường. 

Năm nay, năm thứ ba của dịch COVID-19, phải tới tận chiều 26 Tết (ngày 28/1, ngày làm việc cuối cùng của năm Tân Sửu), người lao động mới bắt đầu di chuyển về quê, gây ùn tắc cục bộ tại của ngõ Thủ đô. Trong khi đó, nhiều bến xe khách ở Hà Nội vẫn trong cảnh đìu hiu, vắng lặng. Ngành vận tải đường bộ tiếp tục gặp muôn vàn khó khăn. 

Có những người lao động quyết định không về quê ăn Tết mà ở lại thành phố. Dịch bệnh kéo dài, có những đợt giãn cách xã hội liên tiếp, họ đã về quê vài tháng tránh dịch rồi quay trở lại thành phố làm việc. Mới đi làm lại chưa được bao lâu thì đã đến Tết nên cũng không có ý định về nữa. 

Dịch bệnh cũng khiến các ngành hàng dịch vụ - vốn thu hút phần lớn lao động ngoại tỉnh làm việc - bị đình trệ, nhiều người đã rời thành phố trước đó. Khi đợt dịch thứ tư bùng phát hồi tháng 4 năm 2021, những tháng sau đó, nhất là vào tháng 7 và tháng 9, 10, những cuộc hồi hương đã diễn ra ồ ạt. Hàng vạn người từ các thành phố lớn, sau các đợt giãn cách xã hội đã đổ về quê, đi cả ngày lẫn đêm về các tỉnh miền Tây, miền Trung và các tỉnh phía Bắc. Đến bây giờ, nhiều người trong số họ vẫn chưa quay trở lại thành phố làm việc. Đó có lẽ là lý do chính khiến các bến xe khách thưa vắng những ngày giáp Tết?

Quê tôi là tỉnh giáp ranh Hà Nội, về phía Nam, chạy theo Quốc lộ 1A cũ hoặc đi theo cao tốc mới, về đến tận làng cũng chỉ khoảng chín mươi cây số. Những năm trước, chỉ bằng ấy quãng, về vào ngày 27 Tết, nếu đi bằng xe khách thì từ lúc ra bến xe phía Nam đến khi về tới nơi cũng mất cả buổi sáng, có năm về đến nhà hơn một giờ chiều, bụng đói meo. Thuê taxi riêng để đi, nếu không tránh giờ cao điểm thì cũng chôn chân ở cửa ngõ cả tiếng đồng hồ, thậm chí là vài tiếng, gần bằng thời gian về đến quê. Nếu muốn xe ta bon bon trên đường, thì hoặc là đi từ năm, sáu giờ sáng, hoặc là tám chín giờ tối lên đường. 

Ngày tôi còn công tác ở trong miền Nam vào đầu những năm 2000, khi phương tiện đi lại chưa thuận tiện như bây giờ, khi về quê đi tàu thì còn vất vả hơn nhiều. Tôi vẫn nhớ cảnh người nằm ngồi kín mít trên các khoang. Đa phần công nhân lao động đều mua vé ngồi cứng để tiết kiệm tiền, người thu nhập khá hơn thì ghế ngồi mềm, người rủng rỉnh một chút thì khoang giường nằm. 

Nhiều chuyến tàu vét những ngày cận Tết đầy ăm ắp người, nhiều ghế nhựa (vé phụ) được kê ở cuối toa. Đêm, mọi người trải nilon hoặc chiếu ở khoảng trống trên sàn tàu giữa hai ghế để ngủ. Nhân viên đường sắt tranh thủ kiếm thêm thu nhập bằng cách cho hành khách ở trong buồng nhân viên với giá vé có khi chỉ bằng một nửa (nhân viên nhà tàu thì lúc đứng, lúc ngồi tạm ở đâu đó sau những ca làm việc), cánh cửa lúc nào cũng đóng kín. Những năm tháng ấy, điều tôi nhớ nhất là cái mùi đặc trưng của nhà tàu, giờ tưởng tượng vẫn có thể rõ mồn một, trong người lại như nôn nao, đầu óc váng vất, không khi nào quên. 

Thế nên, mỗi lần về quê dịp lễ Tết luôn là nỗi ám ảnh và cả sợ hãi cho đoạn đường về. Và cũng tình cảnh ấy cho đoạn đường quay trở lại thành phố khi hết Tết.

Chú thích ảnhMột số khách cẩn thận mặc đồ bảo hộ trước khi lên xe đi tuyến Hà Nội - Hà Giang. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Hôm nay, ngày 27 tháng Chạp, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, năm giờ sáng cả nhà tôi khua nhau dậy để về quê. Hành trang trở về, ngoài sự háo hức của con trẻ, trách nhiệm của người lớn và quà Tết, thì còn là khẩu trang và xịt khuẩn, các loại nước súc họng, nhỏ mắt mũi, kèm theo cả mấy bộ kit test đề phòng cần dùng thì có ngay.

Trở về từ thành phố, nơi đang có số ca mắc COVID-19 mỗi ngày ở mức cao, có ngày cao nhất cả nước, gia đình tôi cũng có một chút e ngại, một chút thoáng qua suy nghĩ người làng sẽ nghi ngại “người về từ thành phố”, nhưng với cách di chuyển theo “nguyên tắc bong bóng”, tôi nghĩ không riêng gì gia đình tôi mà nhiều gia đình cũng sẽ rất chú ý các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Chuyến về quê lần này, chắc chắn sẽ không thể lang thang nhà này nhà khác như những Tết trước hay tụ bạ bạn bè rong ruổi làng trên xóm dưới. Ra chợ quê hay đi đâu đó mua sắm Tết trong làng, kiểu gì cũng đeo khẩu trang, hình ảnh gần như không thấy ở làng quê cho đến khi có dịch bệnh. Nhưng cần thiết phải như vậy.

Vì khởi hành sớm nên không mất nhiều thời gian, xe đã ra khỏi thành phố, hơn 7 giờ đã bon bon trên cao tốc. Đường về đông nhưng không ùn tắc, có những khoảng đồng rộng, có những vạt cây xanh che rợp hai bên đường. Nhiều gia đình có xe ô tô riêng chở theo đào, quất được bọc kín. Không khí Tết đang theo trên nẻo đường về.

Chừng hơn hai tiếng nữa, xe sẽ ngoặt từ đường lớn vào đường làng, giữa hai bên là đồng không đang mùa đổ ải. Tôi sẽ mở cửa kính, dù bên ngoài trời Đông gió lạnh, để lũ trẻ có thể hít thở không khí trong lành, phóng tầm mắt ra xa mà nhìn núi non, thấy cái dài rộng của đất đai làng xóm, nơi tôi đã từng gắn bó suốt tuổi thơ, và mang cả nhiều nỗi niềm cho đến tận bây giờ. 

Nguồn bài viết