Người dân 'miền chân sóng' hào hứng đi cào dắt mùa biển động

17 giờ trước 2
Chú thích ảnhNgười dân làng biển Thái Thịnh (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) thu hoạch dắt biển. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Mỗi ngày, trên suốt chiều dài bờ biển từ làng biển Thái Thịnh (xã Diễn Kim) đến khu vực Hòn Câu (xã Diễn Hải) với diện tích hàng chục ha đã thu hút đông đảo người dân địa phương và vùng phụ cận ra biển cào, vớt dắt.

Trong thời gian biển động, sóng lớn, gần 140 bè mảng của ngư dân các làng biển chuyên khai thác cá trích, ruốc, sứa phải kéo vào bờ, gối bãi. Việc xuất hiện hàng tấn dắt do sóng biển đánh dạt vào bờ đã tạo niềm vui cho người dân do có thêm nguồn thu nhập. Hào hứng đón “lộc biển”, các gia đình đã huy động tối đa thành viên trong gia đình tham gia cào, vớt dắt.

Dọc bờ biển thuộc các làng biển Phú Thành, Xuân Châu, Thái Thịnh, Bắc Tiền Tiến, Nam Tiền Tiến (xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vào thời điểm ngư dân khai thác dắt luôn rộn ràng, tất bật bởi hoạt động thu gom, khiêng vác, đóng bao tải, vận chuyển dắt bằng xe kéo. Sau hàng giờ ngâm mình dưới nước, trung bình mỗi người cào, vớt được 1,5 đến gần 2 tạ dắt/ngày. Dắt được bán với dao động từ 3.000 - 3.300 đồng/kg. Một người tham gia cào, vớt dắt cũng kiếm được từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày. Lượng dắt khai thác được chủ yếu nhập cho các chủ ao, hồ, đầm nuôi trồng thủy sản trên địa bàn để làm thức ăn cho tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và cua.

Chú thích ảnhViệc cào dắt diễn ra vào sáng sớm, trưa hoặc chiều muộn mỗi ngày vì phụ thuộc vào thủy triều. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Ông Hồ Văn Thưởng (xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu) cho biết, quá trình khai thác dắt biển chỉ diễn ra từ 3 - 5 giờ/ngày vì phụ thuộc vào lịch lên, xuống của thủy triều. Do đó, việc cào, vớt dắt có thể diễn ra vào sáng sớm, trưa hoặc chiều muộn. Người dân sẽ không cào dắt khi thủy triều dâng cao đỉnh điểm, có sóng mạnh hoặc khi thủy triều xuống quá thấp, bãi bờ quá cạn, nền cát cứng khiến việc kéo cào sẽ nặng nhọc, vất vả.

Theo anh Lê Văn Hùng (làng biển Thái Thịnh, xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), để cào, vớt dắt, người dân phải sử dụng dụng cụ chuyên biệt được làm bằng khung sắt tạo độ vững chắc, trên có gắn lưỡi dao để cào lớp cát biển. Lượng cát biển và dắt xới lên sẽ trôi vào túi lưới dài hơn 2m gắn dưới đáy khung sắt.

Nhờ sóng biển, lượng cát sẽ được rửa trôi, dắt sẽ bị giữ lại trong túi lưới. Việc cào, vớt dắt chỉ diễn ra ở khu vực nước nông, có độ sâu từ 30 đến khoảng 50cm, bề mặt tương đối bằng, thoải và có sự tham gia của nhiều người chia nhau thành tốp nhỏ gần nhau. Vì vậy, phụ nữ cũng có thể tham gia. Sau thời gian từ 20 - 25 phút, khi lượng dắt đủ sức nặng trong túi lưới, người dân sẽ đưa lên bờ, đổ vào bao tải, khâu buộc cẩn thận rồi dùng xe kéo đi gom các bao tải đựng dắt đặt rải rác trên bãi biển và mang đi tiêu thụ.

Chú thích ảnhCông việc cào dắt tuy vất vả nhưng cũng thu hút một lượng lớn phụ nữ ở các làng biển tham gia. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Chính quyền các xã Diễn Hải, Diễn Kim khuyến cáo người dân khi tham gia đi cào, vớt dắt cần chủ động các biện pháp an toàn. Khi thủy triều dâng cao, sóng lớn, gió mạnh, đặc biệt vào ban đêm, người dân tuyệt đối không đi cào dắt.

Trước đây, hiện tượng các loại nhuyễn thể hai mảnh như: sò huyết, vạng giấy, ngao tím trôi dạt vào bờ trong dịp biển động đã từng xảy ra ở nhiều vùng biển trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Gần đây nhất vào ngày 20/9/2024, sau bão số 4, hàng tấn ngao, vạng giấy, sò biển đã bị sóng đánh dạt vào bãi biển xóm 7 xã Diễn Trung (huyện Diễn Châu). Trong năm 2023 và đầu 2024, ở các vùng biển thuộc huyện Quỳnh Lưu và thị xã Cửa Lò cũng từng xuất hiện hiện tượng sò huyết, ngao tím bị sóng đánh dạt vào bờ sau các đợt mưa bão, áp thấp nhiệt đới.

Nguồn bài viết