Lâm Đồng thiếu vật liệu san lấp, nhiều công trình đầu tư công bị đình trệ

4 ngày trước 9
Chú thích ảnhNhiều hạng mục của công trình hiện đang vừa làm vừa chờ vật liệu san lấp mặt bằng. 

Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là thiếu vật liệu san lấp mặt bằng do cơ chế điều hành của cơ quan quản lý nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Ban quản lý dự án thành phố Bảo Lộc cho biết trên địa bàn thành phố hiện tại đang có 2 công trình lớn nhất là xây dựng trụ sở UBND thành phố và Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi thành phố, với tổng đầu tư 250 tỷ đồng. Tuy nhiên, cả 2 công trình này đều đang chậm tiến độ nghiêm trọng do đang thiếu tới 40.000m3 vật liệu san lấp mặt bằng (đất đắp).

Bởi vậy tại công trình trọng điểm này, hạng mục nào có điều kiện thi công, hạng mục nào thiếu vật liệu san lấp đều đang đình trệ. Trong khi đó trên địa bàn không thiếu nguồn vật liệu san lấp từ các công trình cần hạ tải, san ủi dôi dư, từ các khu vực có nguy cơ sạt lở cần san gạt đi… Tuy nhiên do vướng các quy định của Luật Khoáng sản nên các sở, ngành của tỉnh đang rất lúng túng chưa tìm ra cách gỡ, dù Ban đã nhiều lần kiến nghị với lãnh đạo UBND tỉnh.

Tình trạng của Ban Quản lý dự án thành phố Bảo Lộc cũng là tình trạng chung của Ban quản lý các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… đang thi công các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng bởi thiếu vật liệu xây dựng là đất đắp mặt bằng. Cụ thể Ban quản lý dự án huyện Đơn Dương đã triển khai công trình xây dựng đường tránh thị trấn Thạnh Mỹ (huyện Đơn Dương) với tổng đầu tư hơn 90 tỷ đồng. Tuy nhiên, dự án này đang đình trệ từ tháng 3/2024 đến nay do không có vật liệu san lấp.

Ông Lê Hữu Chiến, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Nguyên là đơn vị thi công tuyến đường này cho biết tại hồ sơ thiết kế tuyến đường này đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt, vị trí khai thác đất đắp tại địa điểm cách công trình 6km. Nhưng khi đơn vị tiến hành khai thác, các cơ quan chức năng không cho phép vì vướng thủ tục pháp lý. Vì tình trạng này ngày 7/3/2024, doanh nghiệp đã phải làm văn bản đề nghị chủ đầu tư cho tạm dừng thi công công trình…

Theo lãnh đạo một số Ban quản lý dự án các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, căn cứ Luật Khoáng sản, vật liệu san lấp gồm đất, đá từ các mỏ khoáng sản; đất, đá dôi dư từ các công trình cần hạ tải, san gạt bỏ đi… được quy định là khoáng sản. Do đó lượng đất đá này phải được tập kết tại 1 vị trí quy định. Sau khi các cơ quan quản lý nhà nước hoàn thành công tác thẩm định, định giá và tổ chức đấu giá, khối lượng đất đá này mới được cung cấp cho các công trình có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng.

Đến thời điểm này, chưa địa phương nào trên địa bàn toàn tỉnh Lâm Đồng thực hiện được việc tổ chức đấu giá khối lượng đất đá dôi dư này do chưa có văn bản nào hướng dẫn, chưa có quy định tiêu chuẩn nào về thẩm định chất lượng, định giá khởi điểm lượng đất đá này để tổ chức đấu giá. Đó là chưa kể trước đây, khối lượng đất đá khai thác từ mỏ đất, từ các công trình dôi dư, cần hạ tải được đơn vị có nhu cầu sử dụng tự đến hiện trường, lựa chọn theo kinh nghiệm rồi chuyển luôn tới công trình, nên khá đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên, nếu tập kết về 1 vị trí theo quy định mới, đơn vị tập kết không có trách nhiệm sử dụng, nên có thể vận chuyển lượng đất đá chất lượng tốt cùng lớp đất mùn trên mặt, cây cối, rác rưởi… về trộn lẫn nhau. Tình trạng này khiến cho việc kiểm định chất lượng vật liệu san lấp rất khó thực hiện. Chưa kể những công đoạn thừa như vận chuyển đất đá tới nơi tập kết, tập trung tại đó 1 thời gian dài phơi mưa nắng, đấu giá xong lại bốc lên xe vận chuyển tới công trình… thay vì vận chuyển từ nơi dư thừa tới nơi cần vật liệu san lấp như trước đây, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách nhà nước.

Trước đó, ngày 21/10/2024, phóng viên TTXVN đã phản ánh thông tin về những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác, đấu giá khoáng sản làm vật liệu xây dựng và vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm trên địa bàn.

Cụ thể ngày 10/10/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã ra Thông báo số 315/TB-UBND chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn này.

Cụ thể giao các Sở Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tài chính, công thương… UBND huyện, thành phố nghiên cứu các quy định pháp luật tham mưu đề xuất, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đảm bảo đúng trình tự, thủ tục về đăng ký khai thác, thực hiện đấu giá khoáng sản phục vụ nội bộ công trình; vật liệu dư thừa, vật liệu san lấp phục vụ các dự án đầu tư công để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, đơn vị. Kết quả thực hiện báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 22/10/2024...

Tuy nhiên cho đến thời điểm này (ngày 22/11), vẫn chưa có một đơn vị, địa phương nào thực hiện được quá trình đấu giá khoáng sản là vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp phục vụ xây dựng. Tình trạng này này khiến cho hầu hết tất cả các công trình xây dựng; trong đó, có các công trình đầu tư công trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang bị đình trệ, khó có thể hoàn thành kế hoạch của năm 2024.

Nguồn bài viết