Tín dụng chính sách góp phần để Phú Thọ thực hiện mục tiêu thành tỉnh phát triển hàng đầu

11 giờ trước 2

Kết quả này có được là nhờ vào nỗ lực của chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ trong việc nỗ lực triển khai các chương trình, dự án sinh kế, phát triển các mô hình kinh tế, tạo động lực giúp nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.

Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh Phú Thọ đã giảm 0,6% hộ nghèo, 0,3% hộ cận nghèo. Trong đó nổi bật là huyện Tân Sơn, đã ra khỏi danh sách huyện nghèo (30a) từ năm 2018, vượt trước 2 năm so với kế hoạch; và đến năm 2024 lại tiếp tục có gần 50% số xã, thôn ra khỏi danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cũng giảm nhanh (3%/năm).

Chú thích ảnh

Theo đánh giá của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Phú Thọ, để có những kết quả ấn tượng nói trên của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững,  goài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân; không thể không kể đến những đóng góp tích cực, hiệu quả của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Liên tục 22 năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo của ngân hàng cấp trên, lãnh đạo địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể; cùng tinh thần nỗ lực vượt khó của cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Phú Thọ, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đã được lan toản về các địa bàn, đến từng thôn bản, hỗ trợ kịp thời các hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc khó khăn, có vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Giám đốc NHCSXH tỉnh Phú Thọ, ông Trương Việt Phương, là một trong số ít cán bộ tín dụng chính sách trưởng thành và gắn bó suốt hơn 2 thập niên với hành trình của tín dụng chính sách vì an sinh xã hội. Ông cho biết: Ngay từ thời điểm thành lập, NHCSXH Phú Thọ phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức, như vốn ít, cán bộ điều hành, tác nghiệp vừa thiếu về số lượng, vừa thiếu kinh nghiệm. Trong khi địa bàn hoạt động rộng lớn, lại có nhiều xã, thôn nằm trong vùng đặc biệt khó khăn (vùng 3).

“Trên miền đất này, khó khăn trước vừa qua, thử thách khác đã ập đến. Nhất là thời gian gần đây, mưa bão xảy ra liên tục, tàn phá nặng nề khu vực trung du miền núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Trong hoàn cảnh đó, những người làm tín dụng chính sách chúng tôi vẫn luôn không nản chí, đoàn kết chung sức, chủ động tham gia vào cuộc chiến đầy cam go chống đói nghèo... tập trung huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn và tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, để mang tới cơ hội vươn lên thoát nghèo cho mọi người dân”, Giám đốc Trương Việt Phương khẳng định.

Cán bộ, nhân viên NHCSXH tỉnh Phú Thọ đã tập trung huy động nguồn vốn từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức, để đến 31/10/2024 đạt tổng nguồn vốn hoạt động 6.379 tỷ đồng, tăng 354 tỷ đồng so với cả năm 2023. Toàn bộ nguồn vốn do đơn vị tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách từ địa phương ủy thác sang NHCSXH (136,7 tỷ đồng), đã được NHCSXH Phú Thọ chuyển tải kịp thời về 225 Điểm giao dịch xã, phân bổ đến 3.659 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại thôn xóm, cụm dân cư, giúp người dân có vốn để thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi, hay mở mang ngành nghề thủ công truyền thống.

Chú thích ảnh

Sau 22 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, đặc biệt qua 10 năm đưa Chỉ thị 40 của Ban Bí thư vào cuộc sống ở Phú Thọ,  đã tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH tăng vốn hoạt động từ 2.913 tỷ đồng năm 2014 lên 6.379 tỷ đồng năm 2024 (bình quân mỗi năm tăng 11,3%); nâng số chương trình tín dụng ưu đãi từ con số 4 ít ỏi lên 20, với tổng dư nợ đạt 6.371 tỷ đồng, với 113.516 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, hoàn thành trên 99% kế hoạch tăng trưởng năm.

Không chỉ vậy, Nghị định 78 và Chỉ thị 40 ra đời, đi vào cuộc sống, đã làm thay đổi toàn bộ diện mạo nông thôn bản làng, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc ở các xã vùng xa, vùng cao, đồng thời làm thay đổi về nhận thức trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đối với công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho những người yếu thế.

Tại huyện miền núi Tân Sơn những năm qua, nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp đã được triển khai, để giúp người dân tiếp cận các dịch vụ, vay vốn chính sách thuận lợi,  từ đó sử dụng vốn vay vào mục đích sản xuất… nhờ đó góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Tân Sơn mỗi năm giảm 1,7%; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm 3%.

Anh Trần Minh Diện ở khu Liên Minh, xã Thu Ngạc, chia sẻ: “Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Được xã, khu dân cư động viên, khuyến khích, hướng dẫn tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, trồng rừng và được vay vốn tín dụng ưu đãi theo chương trình hộ nghèo, giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình tôi có thêm động lực đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng kết hợp chăn nuôi. Chăm chỉ làm ăn, tích cóp, đến năm 2022, gia đình tôi đã thoát nghèo, trở thành hộ khá, xây được nhà kiên cố, nuôi 2 con ăn học”.

Hay như gia đình bà Trịnh Thị Tâm ở khu 3, xã Thanh Hà, huyện Thanh Ba, nhờ có nguồn vốn tín dụng chính sách trợ lực, đã thoát cảnh nghèo túng, xây được nhà mới khang trang, kiên cố. Theo bà Tâm, trước đây gia đình rất khó khăn, chồng đau ốm, bệnh tật, con không có việc làm, thuộc diện hộ nghèo của địa phương; thiếu đất sản xuất, bản thân hay đau yếu, tất cả chi tiêu trong gia đình chỉ trông cậy vào nguồn thu nhập bấp bênh từ nông nghiệp.

Thấy hoàn cảnh gia đình bà khó khăn, UBND xã Thanh Hà và Chi hội Phụ nữ xã đã tạo điều kiện để gia đình bà được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn vay, bà đã sửa sang chuồng trại, mua lợn và bò về chăn nuôn. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, đồng thời được cán bộ xã đồng hành, kịp thời tháo gỡ khó khăn, đàn lợn, bò nhà bà Tâm phát triển tốt. Sau hơn 2 năm vay vốn, gia đình bà đã trả được nợ, thoát nghèo, xây được nhà, kinh tế gia đình dần khởi sắc.

Trong năm 2024, NHCSXH tỉnh đã giải ngân 1.356.101 triệu đồng, cho 27.890 lượt đối tượng vay. Thông qua nguồn vốn của các chương trình TDCS, đã tạo việc làm cho 2.422 người; 68 đối tượng chính sách được mua nhà ở xã hội/xây sửa nhà để ở; 84 người lao động đi làm việc ở nước ngoài; 530 HSSV vay vốn đi học; 112 hộ gia đình có người chấp hành xong án phạt tù vay vốn để tái hòa nhập cộng đồng; có 31.390 công trình cấp nước sạch và vệ sinh hộ gia đình nông thôn được xây mới, sửa chữa, nâng cấp; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo an sinh xã hội.

Thời gian tới, với những người làm tín dụng chính sách ở tỉnh Phú Thọ tiếp tục bám sát các chính sách, Nghị định của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo, tập trung huy động thật nhiều nguồn vốn, chuyển tải thật nhanh chóng, an toàn dòng vốn về các làng bản phục vụ đắc lực công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, góp phần để Phú Thọ phấn đấu đến 2030 là tỉnh phát triển hàng đầu vùng trung du miền núi phía Bắc.

Nguồn bài viết