Tuyên Quang đặt mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 5.000 hộ dân

11 giờ trước 2
Chú thích ảnhBí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga phát biểu tại hội nghị. 

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Hà Thị Nga đề nghị các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. 

Cụ thể, tỉnh triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các chương trình mục tiêu Quốc gia, các công trình, dự án trọng điểm. Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Thảo luận dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, các đại biểu cơ bản đồng tình với 22 chỉ tiêu đề ra. Đồng thời, tập trung phân tích, đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh, từ đó đề ra giải pháp đột phá trên tinh thần "Chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đã đạt thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả". 

Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 55.000 tỷ đồng; tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9,01%; GRDP bình quân đầu người đạt 65,76 triệu đồng/người/năm...

Cùng với đó có thêm 9 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã hoàn thành nông thôn mới nâng cao; 2 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 2 huyện hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 2,8% trở lên; thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho trên 5.000 hộ dân.

Chú thích ảnhCác đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. 

Để đạt được các mục tiêu theo kế hoạch đề ra, tỉnh Tuyên Quang đề ra 14 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó tập trung triển khai thực hiện các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghị quyết, kết luận của các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, các kỳ họp của Quốc hội, Chính phủ; Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Tuyên Quang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, kế hoạch chuyên đề của tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhất là các khâu đột phá và nhiệm vụ trọng tâm. 

Tỉnh Tuyên Quang ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công nghệ thông tin tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2025 ngay từ đầu năm, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Qua đó, phấn đấu hoàn thành đưa vào sử dụng đường cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) - đoạn qua tỉnh Tuyên Quang; đường từ Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đến Quốc lộ 2D kết nối với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn. Ngoài ra, tỉnh ưu tiên bố trí vốn đối ứng ngân sách địa phương cho các dự án trọng điểm, liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; chủ động đẩy mạnh giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Về phát triển công nghiệp, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thành lập và triển khai xây dựng hạ tầng khu, cụm công nghiệ theo quy hoạch; khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm, khu công nghiệp; thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia...

Chú thích ảnhQuang cảnh hội nghị. 

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, thực hiện có hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đất đai, các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường; sắp xếp, kiện toàn các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và nhiệm vụ quốc phòng. 

Nguồn bài viết