Cách làm hay để bảo vệ cà phê mùa thu hoạch

1 tháng trước 23
Chú thích ảnhThành viên chốt bảo vệ vụ mùa buôn Hra, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tuần tra lưu động nhằm bảo đảm an ninh trật tự mùa vụ thu hoạch cà phê. 

Nông dân tỉnh Đắk Lắk đang vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025, dự kiến kéo dài đến hết tháng 1/2025. Trước thực trạng phá hoại cây trồng, trộm cắp nông sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua, lực lượng Công an cùng các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp, cách làm hay để bảo vệ mùa màng cho người dân, đảm bảo an ninh trật tự tại cơ sở.

Đổi mới những mô hình hiệu quả

Huyện Cư M’gar là một trong những địa phương có diện tích trồng cà phê lớn của tỉnh Đắk Lắk, với hơn 37.600 ha. Bước vào vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025, Công an huyện đã xây dựng, ra mắt mô hình “Chốt bảo vệ vụ mùa”, đưa vào hoạt động tại xã Cư Dliê Mnông và xã Ea Tul.

Tại xã Ea Tul, Công an huyện phối hợp với chính quyền địa phương thành lập 3 chốt bảo vệ vụ mùa, đặt tại khu vực nương rẫy của nhân dân hay bị trộm cắp. Lực lượng tham gia mỗi chốt gồm Công an chính quy, thành viên Tổ tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, dân quân tự vệ. Chốt hoạt động 24/24 giờ, từ ngày 1/11/2024 đến ngày 31/1/2025. Các thành viên vừa trực tại chốt, vừa luân phiên tuần tra, kiểm soát địa bàn. Đến nay, sau gần 1 tháng hoạt động, các chốt đang phát huy hiệu quả, khẳng định là mô hình hay, phù hợp với thực tiễn.

Gia đình anh Y Suăt Niê, buôn Hra, xã Ea Tul trồng 7 sào cà phê với trên 900 cây từ những năm 1990. Do vườn cà phê gần đường đi lại, cách xa nhà dân nên vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2023 - 2024, gia đình bị kẻ gian đột nhập hái trộm 10 cây cà phê, gây thiệt hại đáng kể. Năm nay, gần rẫy của gia đình anh có chốt bảo vệ vụ mùa hoạt động; lực lượng chức năng thường xuyên đi tuần tra, tuyên truyền người dân nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ mùa màng, thông báo nhanh chóng những nghi vấn tới trang Zalo của Công an xã hoặc đường dây nóng nên anh và gia đình yên tâm thu hoạch, không còn lo bị mất trộm cà phê.

Chú thích ảnhChốt bảo vệ vụ mùa buôn Hra, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk họp đánh giá công tác và triển khai nhiệm vụ. 

Bên cạnh các chốt bảo vệ vụ mùa, trên địa bàn xã Ea Tul hiện có 32 camera an ninh, rải đều ở các thôn, buôn. Việc phủ sóng camera an ninh đã góp phần hạn chế tình trạng trộm cắp tài sản, nông sản thiết thực, bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Ông Lê Hồng Hải, người dân xã Ea Tul cho biết, trước đây, vào các mùa thu hoạch cà phê, người dân “mất ăn mất ngủ” để canh gác, đề phòng trộm cắp. Ban đêm, thanh niên đua xe, hò hét, gây mất an ninh trật tự. Những năm qua, nhờ lắp đặt camera an ninh, buôn làng bình yên, không lo trộm cắp, người dân yên tâm lao động sản xuất và thu hoạch nông sản.

Theo Thượng tá Lê Hồng Nhật, Phó trưởng Công an huyện Cư M’gar, thời gian tới, Công an huyện tiếp tục nhân rộng mô hình “Chốt bảo vệ vụ mùa” ở 13 xã, 2 thị trấn còn lại. Công an huyện cũng duy trì hiệu quả mô hình “Camera an ninh”; phối hợp với các địa bàn giáp ranh, lân cận trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm để mang lại hiệu quả cao nhất; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chủ động phòng ngừa, tích cực tố giác tội phạm, phối hợp với lực lượng Công an đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Bên cạnh mô hình “Camera an ninh”, mô hình “Chốt bảo vệ vụ mùa” tại huyện Cư M’gar là cách làm đổi mới trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Cách làm này vừa giúp bảo vệ nông sản cho nhân dân khi vào mùa thu hoạch, vừa nhận được sự đồng tình ủng hộ, đánh giá cao của chính quyền địa phương và nhân dân.

Gia tăng niềm tin của nhân dân

Chú thích ảnhTrên địa bàn xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk hiện có 32 camera an ninh, rải đều ở các thôn, buôn. 

Tại huyện Cư Kuin - khu vực trọng điểm với 6 nông trường cà phê lớn của tỉnh, vào mùa vụ thu hoạch, tình hình an ninh trật tự tại các vùng chuyên canh cà phê diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ trộm cắp tài sản, ảnh hưởng đến hoạt động thu hoạch của người dân.

Để bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn, Công an huyện Cư Kuin phối hợp với Công an các xã tổ chức tuần tra, kiểm soát, chú trọng tuần tra vào ban đêm tại các tuyến đường trọng yếu, khu vực rẫy cà phê xa nhà dân. Bên cạnh đó, lực lượng Công an vận động, yêu cầu các cơ sở kinh doanh, thu mua cà phê trên địa bàn ký cam kết không thu mua cà phê không rõ nguồn gốc, nghi vấn trộm cắp, cà phê xanh, non.

Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cà phê Như Linh, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, sau khi được Công an xã tuyên truyền, thông báo một số phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng trộm cắp cà phê, cơ sở đã ký cam kết không chứa chấp, tiêu thụ cà phê do người khác phạm tội mà có; khi phát hiện người nào mua bán cà phê nghi vấn sẽ trình báo với Công an xã...

Song song với các giải pháp tuyên truyền, tuần tra, Công an huyện Cư Kuin rà soát, lập danh sách các đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi xâm phạm sở hữu, nhất là trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản… để quản lý, gọi hỏi răn đe, phòng ngừa tội phạm; triển khai các biện pháp nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các đối tượng, nhóm đối tượng có biểu hiện “bảo kê”, ép giá thu mua cà phê. Đồng thời, Công an huyện tăng cường quản lý cư trú đối với người lao động tự do ở nơi khác đến địa bàn thu hái cà phê; vận động người dân chấp hành tốt việc đăng ký tạm trú, thông báo lưu trú khi thuê lao động đến thu hoạch cà phê.

Ngoài các giải pháp đến từ lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, để bảo vệ thành quả lao động sản xuất, an ninh trật tự, lực lượng chức năng khuyến cáo các hộ gia đình gia cố cửa nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, làm hàng rào, dựng chòi rẫy và lắp đặt camera an ninh hoặc chuông báo chống trộm tại vườn để quan sát từ xa. Người dân không để tài sản có giá trị, đặc biệt là nông sản đã thu hoạch trong các chòi, rẫy không có người trông coi. Các hộ dân có nương rẫy liền kề nên trao đổi số điện thoại, thành lập Tổ tự quản về an ninh trật tự để phối hợp tuần tra, canh gác phòng ngừa, trông coi nông sản.

Chú thích ảnhCông an xã Ea Tul, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cùng thành viên chốt bảo vệ vụ mùa buôn Hra thăm hỏi, tuyên truyền nhân dân nâng cao cảnh giác, đề phòng trộm cắp. 

Trung tá Phạm Hùng, Trưởng Công an xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, xã có địa bàn rộng, tiếp giáp với nhiều địa phương khác, diện tích 1.600 ha cà phê nằm rải rác ở 14 thôn, buôn. Bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của nhân dân, Công an xã tổ chức mật phục tại các địa điểm phức tạp về an ninh trật tự; đồng thời ký kết quy chế phối hợp với Công an xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin để tuần tra các khu vực giáp ranh, kiểm tra tạm trú tại các chòi rẫy có đông lao động từ địa phương khác đến; thành lập các điểm chốt chặn tại cửa ngõ ra vào xã để phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi trộm cắp nông sản.

Tỉnh Đắk Lắk đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng cà phê. Thực tiễn trong năm 2024 và trước thềm vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều vụ phá hoại cây trồng, trộm cắp nông sản. Do đó, các giải pháp từ lực lượng Công an đã và đang giúp kéo giảm tình trạng trộm cắp cà phê, bảo vệ mùa màng cho bà con, gia tăng niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền và lực lượng Công an. Đồng thời, các mô hình, giải pháp còn phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tội phạm.

Nguồn bài viết