Tham vọng xây thành phố trên đường thẳng dài 170km giữa sa mạc

3 năm trước 320

Thiết kế đường thẳng

Chú thích ảnhDự án thành phố The Line trên một đường thẳng dài 170km. Ảnh: NEOM

Theo trang livescience.com, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman đầu năm đã thông báo về thành phố The Line. Đề xuất kêu gọi xây dựng dải đất dài 170km ở Neom, một thành phố quy hoạch ở tây bắc Saudi Arabia. Chính phủ Saudi Arabia coi khu vực này là chưa phát triển. Trong thực tế, đây là nơi ở của 20.000 người thuộc bộ tộ Huwaitat và họ phản đối việc di dời để nhường đất cho đại thành phố quy hoạch.

The Line sẽ được xây dựng theo ba lớp: lớp dành cho người đi bộ ở trên bề mặt gồm nhiều công viên và không gian mở; lớp thấp hơn dành cho dịch vụ; và lớp ở nơi sâu nhất dành cho “xương sống giao thông” với các hệ thống trung chuyển “siêu cao tốc”. 

Theo dự án xây dựng The Line, người dân chỉ cần đi bộ 5 phút trong một điểm trên đường thẳng là có thể tiếp cận toàn bộ dịch vụ hàng ngày. Di chuyển giữa các điểm trên tuyến đường trung chuyển cao tốc sẽ không tốn quá 20 phút.

Chuyên gia hoài nghi

Dự án The Line của Saudi Arabia đã bị các chuyên gia thiết kế đô thị hoài nghi về tính khả thi. 

Bà Emily Talen, nhà nghiên cứu thiết kế đô thị tại Đại học Chicago, cho rằng dự án này là “ác mộng”.
Dù thông báo về The Line hoành tráng nhưng công nghệ để xây dựng thành phố như vậy còn chưa có và xây dựng các thành phố lớn và mới hoàn toàn gặp rất nhiều thách thức. 

Ông Stephen Wheeler, kiến trúc sư cảnh quan và giáo sư thiết kế môi trường tại Đại học California, Davis, nhận định: “Lịch sử của các đại dự án không mấy tốt đẹp. Thông thường, các dự án không diễn ra theo mường tượng ban đầu. Chúng thường thất bại do điều kiện kinh tế hoặc do đội vốn quá lớn so với dự tính”.

Chú thích ảnhBa lớp dự kiến của The Line. Ảnh: NEOM

Theo một số chuyên gia, các mục tiêu của The Line không khả thi. Kế hoạch xây thành phố chỉ trên đường thẳng với khoảng cách chiều rộng có thể đi bộ trong vòng 5 phút là điều gây nghi vấn. Để làm được như vậy, mỗi điểm trên đường thẳng cần có diện tích lớn hơn để nhiều người có thể ở.

Bà Elizabeth Plater-Zyberk, giáo sư kiến trúc tại Đại học Miami, nói: “Nếu chỉ có vài trăm người tại mỗi điểm trên đường thẳng thì đầu tư và cơ sở hạ tầng tại đó sẽ không khả thi về mặt kinh tế”. 

Ngoài ra, di chuyển khoảng cách 170km trong vòng 20 phút sẽ cần phương tiện có tốc độ 512km/h, vượt cả tốc độ đường sắt cao tốc chặng dài. Hiện nay, tàu Eurostar ở châu Âu di chuyển với vận tốc 320km/h, còn tàu cao tốc ở Trung Quốc đạt vận tốc 380km/h. 

Về mặt lý thuyết, công nghệ Hyperloop chạy dưới đường hầm đang được công ty Virgin và SpaceX phát triển có thể thực hiện các chuyến đi như dự án The Line đề ra, nhưng công nghệ này ít nhất phải 10 năm nữa mới có thể sử dụng. Tới nay, các thử nghiệm tàu Hyperloop không chở khách mới chỉ đạt tốc độ tối đa 463km/h. Công ty Virgin đã thử nghiệm công nghệ này trên tàu có hành khách, chỉ đạt tốc độ 172km/h.

Trước đây, từng có nhiều dự án như The Line. Năm 1882, nhà quy hoạch đô thị Tây Ban Nha Arturo Soria y Mata đã đề xuất dự án thành phố Ciudad Lineal. Theo đó, ông muốn xây toàn bộ tòa nhà, cơ sở vật chất của thành phố dọc theo một tuyến đường sắt hoặc đường bộ. Khu vực Ciudad Lineal ở Madrid đã được xây dựa trên ý tưởng này nhưng khu vực này không tách biệt khỏi phần còn lại của Madrid.

Ban đầu, thủ đô Brasilia của Brazil cũng được quy hoạch là thành phố lý tưởng, có hình dạng như một máy bay. Trong đó, các tòa nhà chính phủ được xây dọc theo thân máy bay. Nhưng bị Brasilia bị coi là khó sống khi chỉ có vài khu vực đa năng và không có nhiều nhà ở tại trung tâm cho gia đình thu nhập thấp. Điều này khiến nhiều người phải đi xa nếu làm việc trong thành phố.

Nguồn bài viết