Google thoát án phạt 1,65 tỷ USD của EC về quảng cáo trực tuyến

1 ngày trước 2
Chú thích ảnhBiểu tượng Google. Ảnh: EPA/TTXVN

Năm 2019, EC quyết định phạt Google khoản tiền trên với cáo buộc lạm dụng vị thế thống trị, khi áp đặt những điều khoản bất lợi với các đối tác sử dụng nền tảng quảng cáo trực tuyến thông qua dịch vụ Google AdSense. Google bị cáo buộc đã ngăn các đối thủ cạnh tranh hiển thị quảng cáo trên các trang web đối tác này, qua đó củng cố vị thế độc quyền trong giai đoạn 2006-2016. Tuy nhiên, Google đã thay đổi các điều khoản hợp đồng từ tháng 9/2016 để tuân thủ quy định của EC sau khi cuộc điều tra chính thức diễn ra. Trước đó, Google đã nhận được khiếu nại từ các đối tác vào năm 2010, dẫn đến cuộc điều tra của cơ quan quản lý.

Mặc dù đồng ý phần lớn với đánh giá của cơ quan thực thi cạnh tranh của EU về vụ việc, song tòa án cho rằng EC chưa đưa ra đủ bằng chứng để chứng minh rằng hành vi của Google đã gây hại đáng kể đến cạnh tranh trên thị trường. Theo tòa án, EC đã không xem xét đầy đủ các yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến quyết định của các nhà xuất bản khi lựa chọn nền tảng quảng cáo. 

Việc tòa án hủy bỏ án phạt có thể làm phức tạp thêm cuộc chiến pháp lý của EC trong việc quản lý các tập đoàn công nghệ lớn, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc các quy định cạnh tranh hiện hành liệu có đủ để xử lý các tập đoàn có ảnh hưởng toàn cầu như Google hay không. EC sẽ phải quyết định liệu có kháng cáo hay không và cách thức điều chỉnh các quy định để bảo đảm tính công bằng trong thị trường quảng cáo trực tuyến.

Phán quyết này sẽ giúp Google đã có thêm lợi thế trong việc bảo vệ vị thế trước các cáo buộc về độc quyền tại châu Âu, đồng thời đặt ra tiền lệ cho các vụ kiện chống độc quyền khác liên quan đến các công ty công nghệ. Các công ty có thể sẽ tham khảo phán quyết này để bảo vệ quyền lợi trước các cáo buộc tương tự. Trong trường hợp EC quyết định kháng cáo, vụ án có thể sẽ kéo dài thêm nhiều năm.

Cùng ngày, Tòa sơ thẩm EU đã giảm nhẹ mức phạt chống độc quyền đối với tập đoàn sản xuất chip Qualcomm của Mỹ xuống còn 238,7 triệu euro (265 triệu USD). Trước đó, vào năm 2019, EU đã phạt công ty này 242 triệu euro sau khi cho rằng họ đã thực thi chiến lược định giá cực thấp nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh.

Sau khi phán quyết được công bố, Qualcomm khẳng định luôn tuân thủ luật cạnh tranh của EU.

Nguồn bài viết