Trà Vinh: Ra mắt công trình số hóa Khu di tích danh thắng quốc gia Ao Bà Om

14 giờ trước 2
Chú thích ảnhĐại biểu thực hiện nghi thức ra mắt. 

Công trình số hóa Khu di tích Danh thắng quốc gia Ao Bà Om là 1 trong 5 nhiệm vụ số hóa của Tỉnh đoàn Trà Vinh thực hiện trong năm 2024. Bốn công trình còn lại là: Khu di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, di tích lịch sử Chùa Giác Linh (huyện Cầu Ngang), di tích Bờ Lũy (huyện Châu Thành) và di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu (thị xã Duyên Hải).

Ngoài ra, Đoàn cấp huyện đã thực hiện số hóa 31 điểm di tích lịch sử, bảo tàng ở địa phương. Các công trình số hóa này giúp người dân, du khách dễ dàng tra cứu thông tin liên quan về di tích, danh thắng của Trà Vinh, được du lịch qua hình ảnh, video bằng cách quét mã QR hoặc truy cập internet theo đường dẫn. Với công nghệ hình ảnh 360 độ hiện đại, sắc nét tạo cảm giác chân thực kết hợp video clip sinh động, hình ảnh góc nhìn từ trên cao, giọng thuyết minh truyền cảm, du khách sẽ thấy được hình ảnh các di tích, danh thắng như hiện ra trước mắt.

Bên cạnh đó, mini app “CYU Trà Vinh” là một ứng dụng nhỏ được tận dụng từ nguồn tài nguyên có sẵn của mạng xã hội Zalo. Người dùng có thể truy cập trên Zalo bằng cách tìm kiếm và mở ứng dụng trực tiếp thông qua thanh tìm kiếm hoặc truy cập trực tiếp bằng cách quét mã QR. Từ đó, người dùng sẽ được tiếp cận tin tức, sự kiện do Tỉnh đoàn đăng tải cùng các tiện ích về nghề nghiệp, việc làm, văn hóa du lịch, thông tin về sản phẩm OCOP, thanh niên khởi nghiệp, phản ánh kiến nghị và một số tiện ích khác. Ứng dụng cũng liên kết đến Cổng thông tin điện tử tỉnh, Trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, địa phương.

Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Trà Vinh Nguyễn Thị Cẩm Hương cho biết, đây là những công trình chuyển đổi số ý nghĩa của tuổi trẻ Trà Vinh, giúp giữ gìn, phát huy, quảng bá các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Mini app “CYU Trà Vinh” giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền, giáo dục thanh, thiếu nhi trên không gian mạng thông qua ứng dụng công nghệ nền tảng số, đáp ứng nhu cầu khai thác thông tin mới, chuẩn xác liên quan đến nghề nghiệp, việc làm, văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp…

Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiếp tục hoàn thiện ứng dụng mini app CYU Trà Vinh; đẩy mạnh ứng dụng số hóa các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn và nâng chất từng công trình.

Chú thích ảnhĐoàn viên thanh niên quét mã QR để truy cập công trình. 

Trà Vinh có một kho tàng phong phú về di sản văn hóa phi vật thể, vật thể, ghi dấu những giá trị lịch sử, văn hóa, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người nơi đây trong suốt quá trình hình thành và phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 55 di tích được công nhận; trong đó có 39 di tích lịch sử cấp tỉnh và 16 di tích lịch sử cấp quốc gia. Địa phương có 2 bảo vật quốc gia và 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc ứng dụng chuyển đổi số tại các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa của quê hương Trà Vinh cho thế hệ trẻ; đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch phát triển.

Nguồn bài viết