Ngày 15/3, ngành du lịch Việt Nam đã chính thức mở cửa đón khách toàn diện. Ông đánh giá thế nào khi Chính phủ mở cửa du lịch vào thời điểm này, để chớp thời cơ SEA Games 31 cũng như các hãng lữ hành nắm được cơ hội cuối năm để đón khách quốc tế, thưa PGS.TS?
Tôi nghĩ SEA Games 31 chỉ là yếu tố phụ nhưng không phải không quan trọng khi chúng ta tích hợp được vào thời cơ. Không có SEA Games có lẽ Chính phủ vẫn quyết định mở cửa vào tháng 3 vì điều kiện lúc này đã có nhiều sự chín muồi để có thể nói đây là quyết định đúng lúc, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của việc mở cửa. Đúng lúc nhất là khi Việt Nam đã có độ an toàn, có quyền mở cửa, mời các bạn đến đây với sự an toàn cao và sự sẵn sàng từ đất nước, doanh nghiệp cho đến người dân.
Những chính sách mở cửa lúc này của Việt Nam, theo ông, liệu đã bắt kịp với thế giới chưa?
Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia phủ vaccine rộng nhất nên xứng đáng là đất nước an toàn nhất. Nhưng bản thân chúng ta vẫn rụt rè, dò dẫm, chưa thực sự quyết chiến trong việc mở cửa.
Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch cần có lộ trình rõ ràng, chủ động hơn để tuyên bố với thế giới, Việt Nam là điểm đến an toàn, sẵn sàng để đón tiếp du khách. Chúng ta cần một chương trình quốc gia được tuyên bố rõ ràng, cần tận dụng được thời cơ, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới. Chúng ta cũng cần phải tính đến quan hệ lợi ích và chi phí, phải bỏ chi phí trước để thu về lợi ích sau này.
Việc mở cửa đón khách quốc tế trở lại sẽ mang đến cho du lịch Việt Nam những cơ hội như thế nào, thưa ông?
Đây là cơ hội Việt Nam thay đổi cấu trúc du lịch để nâng cao vị thế, tăng số lượng quốc gia được miễn thị thực. Hàng không và Du lịch – hai ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch- là các ngành ủng hộ, thụ hưởng và chịu trách nhiệm việc này. Đây là cơ hội để Hàng không và Du lịch khôi phục lại vị thế, khi thế giới đang còn ngại ngần, lúng túng.
Thứ hai, sự mở cửa này còn là cơ hội vàng cho doanh nghiệp Du lịch và Hàng không Việt Nam thay đổi vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Nếu ta phục hồi sớm, bứt lên thì vị thế, năng lực cạnh tranh của chúng ta trong cục diện toàn cầu sẽ thay đổi.
Chúng ta phải tăng số lượng nước mà công dân được miễn thị thực tại Việt Nam đồng thời tăng số ngày họ có thể lưu trú để tận dụng được cơ hội. Đến bây giờ chúng ta thấy là số lượng chỉ có 13 quốc gia, số ngày lưu trú là tối đa 15 ngày. Quả thật chúng ta vẫn còn quá thận trọng.
Trong số các điểm đến, Quảng Ninh là địa phương được kỳ vọng du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh bình thường mới bởi đây là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cả bốn mùa trong năm. Vậy theo ông Quảng Ninh cần thêm điều kiện gì để phát huy lợi thế, tiềm năng này?
Quảng Ninh là một trong những địa phương tiên phong ở miền Bắc chuẩn bị điều kiện để phát triển du lịch 4 mùa. Đây là cách tiếp cận mới cho du lịch Việt Nam. Du lịch 4 mùa ở nơi có mùa đông lạnh nghĩa là đẳng cấp khác hẳn.
Quảng Ninh và doanh nghiệp đang làm rất tốt để phát triển vùng di sản thành Kỳ quan bốn mùa. Tuy nhiên, Quảng Ninh cần nhiều hơn sự hỗ trợ từ Trung ương và các địa phương khác, để tạo nên các tour tuyến, nhất là mùa hè tới đây. Sang mùa đông thì cần chuẩn bị thêm nhiều sản phẩm du lịch mới lạ, độc đáo như tắm khoáng nóng onsen, casino hay kinh tế ban đêm… Lúc này cần có những chính sách khuyến khích để phát triển mạnh mẽ các loại hình du lịch này.
Việt Nam đi sau thế giới trong nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là kinh tế đêm. Vì vậy, chúng ta cần nhanh chóng khắc phục khoảng trống lớn này trong kinh doanh du lịch.
Những năm gần đây, diện mạo du lịch Quảng Ninh có rất nhiều thay đổi, đặc biệt là hệ sinh thái du lịch được hình thành bởi các nhà đầu tư chiến lược lớn như Sun Group, Vingroup…? Ông đánh giá như thế nào về sự đầu tư của các tập đoàn này ở đây?
Quảng Ninh có một cách làm khá năng động là từ cách đây mấy năm đã lôi kéo, thu hút được toàn những doanh nghiệp đầu đàn, nên chân dung, diện mạo du lịch Quảng Ninh thay đổi khác thường, đẳng cấp khác. Tôi không phủ định vai trò to lớn của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng để thay đổi chân dung phát triển cần những Tập đoàn lớn. Do có các Tập đoàn lớn nên vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa được phát huy tốt hơn, đặc biệt là các Tập đoàn hàng đầu về du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí.
Mỗi Tập đoàn đều có vai trò nâng tầm du lịch Quảng Ninh, nhưng Sun Group có vai trò đặc biệt khác hẳn. Sun Group không chỉ kiến tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch đẳng cấp, khác biệt mà còn xây dựng hạ tầng giao thông bài bản, hiện đại để kết nối Quảng Ninh với thế giới, với các địa phương khác để tạo ra hoạt động thông thương. Ý của tôi muốn nói đến sân bay Vân Đồn, các tuyến đường cao tốc, không có tập đoàn nào tham gia được như vậy. Còn nói về vai trò, sự đóng góp trực tiếp vào du lịch Quảng Ninh, Sun Group cũng là đơn vị đóng góp nhiều nhất.
Với cách tiếp cận du lịch 4 mùa, Sun Group cũng tiên phong đi đầu. Hay việc phát triển kinh tế ban đêm cũng là sáng kiến thực thi với lực lượng chính là Sun Group. Đó là vai trò tiên phong, dẫn dắt, định hướng cho phát triển du lịch. Sun Group xứng đáng với những đánh giá tích cực, và cần có sự khuyến khích mạnh hơn nữa từ phía Chính phủ cũng như xã hội.
Xin trân trọng cảm ơn ông!