Nụ cười giấu sau lưng

1 năm trước 194

Hồ Tây thời điểm tôi học đại học (1996-2000) chưa được kè và có đường chạy quanh như bây giờ nên tụi tôi chỉ hay thả bộ dọc hồ phía đường Thanh Niên. Đứng tựa lan can sơn xanh của hồ nhìn ra xa, thấy mênh mông mặt nước lấp lánh. Hoàng hôn hồ Tây luôn mê hoặc lòng người. Khi mặt trời vàng sậm đổ xuống mặt nước có thể nhìn thấy cả một vùng lòng hồ như rực rỡ hơn lên. Thường thì chúng tôi hay đợi đến khi mặt trời xuống hẳn mới về. Trong lúc đó thì cả lũ sẽ mua bát tào phớ với vài giọt dầu chuối thơm thơm, ngồi ăn ngon lành. Tháng nào có học bổng thì sang hơn, rủ nhau ăn kem. 

Năm cuối đại học, trong đám đã có đứa biết yêu nên mang vẻ lãng đãng mơ mộng. Vào mùa hoa ban, đường Thanh Niên trở nên lãng mạn vô cùng. Không ngớt trầm trồ ngắm những cành ban trĩu hoa, tụi tôi còn tỉ mẩn gom nhặt những cánh hoa tím (lúc ấy tôi cứ nghĩ đến cảnh Lâm Đại Ngọc nhặt từng cánh hoa rơi mà lệ tuôn vì tiếc thương cho hoa sớm nở tối tàn trong bộ phim dài tập Hồng lâu mộng của Trung Quốc), xếp hình trái tim ngồi vào trong rồi gọi thợ chụp ảnh (ảnh ấy giờ vẫn còn, nhìn lại thấy sến không tưởng được). 

Hồ Gươm thì hẳn nhiên mê mẩn rồi, tháp Rùa, tháp Hoà Phong, tháp Bút, cầu Thê Húc-đền Ngọc Sơn, lần nào tới hồ Gươm chúng tôi cũng phải ghé thăm. Những ngày đông cũng như khi mưa xuân, nhất là mùa thu, đương nhiên cả mùa hè, dù là ban ngày cuối tuần hay buổi tối, tôi đều thích thú tản bộ ở đây. Với tôi, góc nào của hồ Gươm cũng đẹp. Cây lộc vừng chín nhánh, hàng tre bên hông đền Ngọc Sơn, những cây liễu rủ cành mềm mại xuống mép nước,... Nhất là làn nước xanh đặc trưng bởi một loại tảo dưới đáy hồ tạo nên gương mặt mát lành.

Chú thích ảnhHồ Gươm - nơi luôn thu hút nhiều du khách khi tới Hà Nội. Ảnh: Tr.V

Thế nên, khi mới vào TP Hồ Chí Minh làm việc (năm 2000), tôi cứ nhớ quay quắt mấy hồ nước, rồi tỉ tê năn nỉ đứa bạn chở đi tìm hồ nước nào đó. Một đồng nghiệp cám cảnh tôi nhớ Hà Nội, cũng chiều ý chở đi. Từ cơ quan trên phố Nguyễn Thị Minh Khai, đi chừng năm trăm mét, chiếc xe máy đỗ lại ở một vòng xoay, trước con mắt ngơ ngác của tôi, đồng nghiệp tôi nói tỉnh bơ: -Rồi, tới rồi đó, hồ đây! –Đây là hồ á? -Ừ, hồ con Rùa. Hồ con Rùa (tên chính thức là Công trường Quốc tế), là nút giao của các tuyến đường Phạm Ngọc Thạch, Trần Cao Vân và Võ Văn Tần, thuộc Quận 3. Hồ được thiết kế có trụ bê-tông lớn cắm xuống mắt nước hình bát quái. Hồ chỉ rộng chừng gấp đôi cái giếng đất trong khu tập thể giáo viên của mẹ tôi (ấy là tôi áng chừng thế), nước nông có thể nhìn thấy đáy và tôi chắc là chả có con rùa nào. Xung quanh hồ có rất nhiều quán cà phê, nhà hàng nên khu vực này luôn nhộn nhịp, thu hút nhiều du khách, nhất là giới trẻ. Sau này tôi và nhỏ bạn thân cũng hay ra khu vực này ngồi uống nước, tám đủ thứ chuyện.

Tôi vẫn nhớ rất rõ cảm giác của tôi lúc đó, gần như tôi không nói được câu nào, chỉ biết nở nụ cười méo mó. Ôi, tôi đang tưởng tượng mặt hồ rộng lớn, nước xanh trong mát lành kiểu hồ Gươm, hồ Tây kia mà. Đồng nghiệp của tôi ban đầu mủm mỉm rồi cười phá lên, kệ mặt tôi rất đỗi thảm hại, ngơ ngác. –Còn cười à, tôi càu nhàu. 

Nhưng bù lại sau đó, tôi được chở thẳng ra quán cafe ở bến Bạch Đằng, đứng từ đây có thể nhìn thấy bến Nhà Rồng. Đó, nhớ hồ thì cho nhìn hẳn sông rộng nhé. Thú vị hơn nữa là quán cafe rộng rãi, ghế xếp ngoài trời, trong lồng lộng gió ven sông thoang thoảng hương hoa mai chiếu thuỷ-một loại cây cảnh hoa cánh trắng muốt nhỏ xíu nhuỵ hoa quay ngược xuống phía dưới. Trong suốt mấy năm ở Sài Gòn, nhiều lần tôi tới nơi này, khi thì buổi sáng, lúc thì cuối chiều, lúc thì buổi tối. Không gian thoáng mát, có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn sông nước, và hơn hết là có cảm giác được thư giãn thực sự, có thể ngồi đây bao lâu tuỳ thích. Lâu rồi tôi không quay lại Sài Gòn, không biết quán cafe với hàng trăm chậu hoa chiếu thuỷ có còn?

Có một kỷ niệm nữa mà mỗi khi nhớ lại tôi không khỏi bật cười. Trước khi tôi lên tàu vào Sài Gòn, tôi cũng đã tìm hiểu sơ sơ từ ngữ địa phương, để khi vào đó dễ bề giao tiếp. Phần là để mình không quá “ngố” dễ bị “ăn hiếp” (bắt nạt), phần là để khi mình nói ra thì mọi người có thể hiểu. Chẳng hạn, ăn cơm thì lấy chén (bát), uống nước thì lấy ly (cốc), đi núi Bà Đen ở Tây Ninh thì mua mãng cầu (quả na), ra chợ thì hỏi mua bắp (ngô), đậu phộng (lạc), thơm (quả rứa), quả tắc (quả quất), ngò rí (rau mùi), ngò gai (rau mùi tàu), khổ qua (mướp đắng), khoai mì (củ sắn), và củ sắn (củ đậu),… Đại khái là biết phương ngữ, để ít nhất, ra chợ còn biết đường mà hỏi han, mua bán. Cẩn thận thế rồi, vậy mà có lúc đi chợ phải về tay không đấy.

Đó là khi tôi tới chợ An Đông. Đây là một chợ nổi tiếng nằm trên đường An Dương Vương ở quận 5 ở TP Hồ Chí Minh, chuyên bán buôn (trong miền Nam gọi là bán sỉ) những mặt hàng quần áo và giày dép. Nơi đây được biết đến như là “thủ phủ thời trang” của thành phố. Du khách tới TP Hồ Chí Minh, ngoài ghé chợ Bến Thành, có thể đến các chợ lâu đời khác như chợ Bình Tây, chợ Tân Định, chợ Bà Chiểu, chợ An Đông,... để tham quan, mua sắm. Ở đây bạn có thể mua đủ các thể loại quần áo, kiểu nào giá nào cũng có. 

Tôi hôm ấy cũng hăm hở tới chợ tìm mua quần bò (sinh viên mới ra trường đi làm, vẫn quần bò áo phông). Hẳn là không ngoài tưởng tượng, các sạp hàng trong chợ chất ngất quần áo các loại, quần bò đủ màu, các cỡ được xếp gọn ghẽ trên các quầy hàng. Đi dạo vài gian hàng, tôi quyết định dừng lại trước quầy của một chị nhìn rất phúc hậu. –Chị ơi, bán cho em chiếc quần bò size 28, màu xanh. –Chị không có quần bò cưng à. Tôi sững lại, kinh ngạc. Cả sạp hàng toàn quần bò mà chị ấy bảo không có là sao? Nhưng vốn tính nhút nhát, lại mới vào Sài Gòn được vài ngày, tôi lóng ngóng cảm ơn rồi sang hàng khác mà không nói lại nửa lời. Câu trả lời cho tôi ở vài sạp khác cũng vậy. 

Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra, một hồi sau thì rời khỏi chợ. Hôm sau đem chuyện ấy nói với nhỏ bạn mới quen, nó cười khùng khục, trời ơi, trong này gọi quần bò là quần jean đó bà ơi. Bà nói giọng Bắc, lại hỏi thế thì chắc có người không hiểu là phải rồi. Tôi ngớ người rồi chợt vỡ lẽ, cười phá lên. Quái quỷ thật, mà tại tôi cũng nhát quá, thay vì hỏi người bán hàng không hiểu thì dùng ngôn ngữ cơ thể ấy, chỉ chỏ vào thứ mình muốn rồi hỏi giá, ai lại ra về tay không thế bao giờ. 

Tôi ơi là tôi. Đúng là nhớ mãi. Và để chắc ăn, những ngày sau đi chợ, khi tôi còn chưa nhớ nổi “ngò gai, ngò rí” là rau gì thì tôi cứ: “Chị ơi, cái này giá bao nhiêu”, “Anh ơi, bán cho em cái này”, thế là xong. 

Nhưng kể chuyện này ra thì mới vỡ lẽ không riêng gì tôi mà cả những người bạn tôi, dù đã từ miền Bắc vào Sài Gòn nhiều năm cũng gặp phải những tình huống cười chảy nước mắt. Một cậu bạn cùng lớp cấp ba và nhỏ em đồng nghiệp xinh đẹp kể khi ra chợ hỏi bà bán hàng bó dọc mùng thì bà cứ bảo không có, trong khi trình ình bó dọc mùng trước mặt. Thì ra người miền Nam gọi “dọc mùng” là “bạc hà”. Nhỏ bạn thân của tôi từng quen một anh chàng, khi chàng dẫn về nhà chơi, được gia đình đãi cơm tối với canh cá nấu dọc mùng. Ăn xong, nhỏ ấy nói với ảnh: “Em ăn dọc mùng xong giờ ngứa miệng quá”. Chàng nghe mà mặt mũi ngơ ngác, nhưng làm thinh. Chừng như sau cả đêm suy nghĩ không kìm được, sáng sớm hôm sau chàng hỏi lại: -“Hồi tối em bị sao mà mang dây mắc mùng ra nhai để bị ngứa...?”. Câu hỏi khiến nhỏ ấy cười không thành tiếng, đến giờ thỉnh thoảng vẫn nhắc lại.

Nhưng đây là chuyện của hai mươi năm có lẻ rồi, chứ bây giờ, nhỏ bạn trấn an tôi, vào miền Nam cứ nói thoải mái nhé, ngôn ngữ địa phương Bắc-Nam gì bà con trong Sài Gòn cũng hiểu. Tôi biết chứ, giờ hội nhập khắp nơi, có lẽ nào bà con mình không hiểu nhau chỉ vì vài từ địa phương. Chỉ có điều, tôi từ ngày rời xa Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội, đến giờ cũng đã trên mười lăm năm chưa có lúc nào quay lại. Nơi ấy, có một phần thời thanh xuân của tôi, với những tháng năm có cả duyên và nợ mà tôi biết mình sẽ không khi nào quên được.

Nguồn bài viết