Những đôi chân trần

2 năm trước 370
Chú thích ảnhẢnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Mấy hôm nay trời Hà Nội sụt sùi. Mưa dầm dề, trời xám xịt ủ ê. Có ngày, mưa kéo dài từ đêm hôm trước đến tận hôm sau khiến có nơi ngập nặng, chín giờ sáng nhiều người đi làm vẫn chôn chân trong nước do tắc đường. Cách Hà Nội chừng sáu mươi cây số, cháu tôi cũng đăng bức ảnh trên Facebook kèm cái tút “đường trước nhà như sông”.

Thời đại công nghệ số, với điện thoại thông minh, lướt web nhoay nhoáy thì bọn trẻ rảnh rang thơ mộng, trời mưa vẫn còn tâm trí, thậm chí là vui sướng, chụp ảnh up Facebook, chứ thời của chúng tôi, đến điện còn chờ mãi mới được kéo tới làng, thì những ngày mưa như thế này, chỉ mong sao lội bộ tới trường không bị ướt. 

Những năm chín mươi của thế kỷ trước, đa phần học trò trường làng tôi đi chân đất. Có đứa đi dép, nhưng ngày mưa sợ bị bẩn nên nhét dép vào cặp... cho sạch. Tới lớp, đội trực nhật “bắt” phải bỏ dép ở cửa, đi chân không vào trong để lớp không bị bẩn. Đúng là thơ ngây nghịch ngợm của học trò. 

Trường học nằm giữa cánh đồng, phải đi xuyên qua làng mới tới. Con đường đất ngày nắng thì bụi, ngày mưa thì lầy lội, ổ voi ổ gà lỗ chỗ. Đám trâu cày cắm những móng chân to xuống mặt đường, vết xe cải tiến in thành rãnh nham nhở. Những vũng nước đục ngầu là chỗ cho bọn học trò ném đá bắn tung toé trêu trọc những ai đi qua, mặc người lớn càu nhàu, bạn bè mắng mỏ.

Cả lũ đi học không có áo mưa, lấy cặp đội đầu, ướt lướt thướt khi tới lớp. Những đôi chân trần nối nhau, cố bấm chặt đầu ngón chân xuống đường cho khỏi ngã. Vậy mà vẫn có đứa “vồ ếch”, vừa bị bẩn vừa xấu hổ, trong khi cả đám cười ngặt nghẽo.

Lớp học ngày mưa ẩm thấp, tối om. Mái ngói lâu năm có chỗ thủng, nước theo kẽ hở bắn tung toé lên bàn ghế. Những cái bàn kê lệch không còn theo hàng lối ngày thường để tránh dột. Lũ chúng tôi ngồi nép vào nhau, lấy tay che vở, chữ lem nhem nhoè nhoẹt do nước bắn. Có ngày mưa to quá, nước đọng thành vũng trong lớp khiến nền đất nhão ra. Mảng tường được xây như những lỗ mắt cáo làm cửa sổ, nước mưa hắt vào ướt cả một vạt bàn. Cả đám học trò ngồi chịu trận. Những cơn mưa dai dẳng trở thành nỗi ám ảnh, nhất là những ngày Đông rét mướt.

Có hôm mưa sầm sập, trời tối om, chúng tôi chả nhìn thấy gì mà viết mà đọc. Cô giáo cho ngồi chơi, đợi mưa ngớt và trời sáng trở lại thì học tiếp, tụi tôi vui như mở hội, tựa ong vỡ tổ. Lạ cái đám học trò, tuổi nào và thời nào cũng vậy, cứ được nghỉ học (vì bất cứ lý do gì, thậm chí là khi cô giáo ốm), đều vui như được cho quà. 

Bây giờ trường làng đã được xây khang trang rồi, cấp một, cấp hai đã học riêng chứ không học chung trường như thời của chúng tôi (cấp một học chiều, cấp hai học sáng, nên mới có thư tình trong ngăn bàn của anh lớp trên gửi em lớp dưới, cũng thú vị ra trò). Đèn điện cũng đã được lắp sáng trưng nên ngày mưa dù trời có tối om thì chắc cũng không có chuyện được thầy cô cho ngồi chơi đợi trời sáng nữa). Đám bạn trường làng của tôi, bây giờ nhiều người đã “lên chức” ông bà nội ngoại, có người rất thành đạt, có học hàm, học vị. Nhưng mỗi lần có dịp thăm trường cũ vẫn không khỏi bâng khuâng, nhớ về một thời chân trần tới lớp. 

Còn tôi, mỗi khi ngang qua trường xưa, nhớ những người bạn thuở nào đều không khỏi tự hào. Tôi cứ có cảm giác, những đôi chân bé nhỏ năm nào, dù chân trần tới lớp, nhưng thực ra là có “tấm giáp” chắc chắn hơn bất cứ thứ gì khác. Bởi chúng đã được rèn luyện để có thể chạy nhảy mỗi ngày trên đường làng, dẫm vào cát sỏi, hay chạy băng băng trên triền đê, chăn trâu, thả diều; thoăn thoát bước dù trên vai là chiếc đòn gánh với gánh cỏ đầy. 

Cũng những đôi chân ấy, có thể lội sông hái rau, lội ruộng cấy lúa, trụ chắc để đẩy từng xe cải tiến chở đầy thóc ngày mùa. Những đôi chân ấy, sau này lớn lên, đã đi tới rất nhiều vùng đất, vững vàng và tự tin, thể như đang đi trên đồng đất làng mình vậy.

Nguồn bài viết