Những 'Kết nối cảm xúc' trong triển lãm nhiếp ảnh tại VCCA

2 năm trước 314

Ở thời điểm mà con người dần trôi xa rời nhau, cả về thể xác lẫn tinh thần do ảnh hưởng của đại dịch và sự lên ngôi của công nghệ, “kết nối cảm xúc” đã trở thành mối quan tâm sâu sắc, đặc biệt trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong nghệ thuật.

Đến với triển lãm Khuôn dạng | Format, công chúng sẽ được thưởng thức góc nhìn mới về cách thực hành nhiếp ảnh với những cuộc đối thoại đa chiều. Trong khi đó, triển lãm Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu lại nhấn mạnh tính kết nối giữa văn hóa và những mối quan tâm trong xã hội.

Tại triển lãm Khuôn dạng | Format, 8 nghệ sĩ: Nguyễn Phương & Joseph Gobin, Duy Phương, Yến Dương, Trần Lê Quỳnh Anh, Prune Phi, Duy Tuấn và Alexandre Dupeyron đã chọn cách phản ứng với sự mất kết nối của con người theo hướng riêng của mình. Họ biến quá trình chụp ảnh thành phương pháp luận để tìm kiếm sự kết nối. Một số nghệ sĩ thử nghiệm các quy trình nhiếp ảnh thủ công để nhấn mạnh mối tương quan giữa họ với thiên nhiên và môi trường xung quanh. Một số nghệ sĩ khác lại sử dụng những khuôn dạng mở rộng của nhiếp ảnh để tìm kiếm sự gắn kết giữa gia đình và dân tộc, đồng thời thông qua sự quan sát tinh tế và tự vấn bản thân, làm nổi bật một cách ý nhị những nghịch lý xã hội.

Chú thích ảnh
Chú thích ảnhNhững tác phẩm tại triển lãm Khuôn dạng | Format tại VCCA.

“Để theo đuổi các quy trình và chất liệu mà chúng ta gọi là nhiếp ảnh ngày nay chính là thừa nhận và trân trọng sự phong phú bao trùm lên trải nghiệm con người. Và sự phức tạp, cũng như thấu cảm mà những nghệ sĩ bộc lộ trong tác phẩm và chúng ta thấy ở đây là minh chứng cho tất cả những trải nghiệm quý giá này.” – Giám tuyển Mai Nguyên Anh chia sẻ.

Trong khi đó, triển lãm nhiếp ảnh Những ngã rẽ: Góc nhìn từ châu Âu sẽ mang đến các tác phẩm của 8 nhiếp ảnh gia thuộc 8 quốc gia châu Âu khác nhau. Mỗi dự án được tuyển chọn bởi bộ phận văn hoá quốc gia tương ứng, nhằm mục tiêu mang tới những cảm quan và lăng kính cuộc sống đa chiều, hy vọng thu hẹp khoảng cách văn hoá và những mối quan tâm.

Qua con mắt của các nhiếp ảnh gia nước ngoài, Việt Nam hiện lên ở một quang phổ khác. Nếu như dự án của Nguyễn Thị Mỹ Liên (Thuỵ Sĩ) mô tả hành trình học hỏi và trân trọng những giá trị văn hoá nguồn cội ảnh hưởng lên cuộc sống của mình, thì Alexandre Garel (Pháp) lại tôn vinh nét đặc biệt của kiến trúc hiện đại miền Nam Việt Nam, còn Victoria Sivik (Ba Lan) lại đưa người xem đến với sân khấu âm nhạc underground của Hà Nội. Trong khi đó, Nic Shonfeld (Anh) cộng tác với nhà thiết kế thời trang địa phương, tạo nên sức sống mới cho nghề dệt thủ công của dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam.

Chú thích ảnhNghề dệt thủ công của dân tộc thiểu số ở miền núi Việt Nam qua con mắt của nhiếp ảnh gia Nic Shonfeld.

Ở góc nhìn thế giới, dự án của Malte Sanger (Đức) nghiên cứu cách những tiến bộ công nghệ đang dần dần xâm nhập vào không gian sống của con người, trong khi Loes Heerink (Hà Lan) đặt câu hỏi về sự tương tác giữa thiên nhiên và chúng ta. Nối liền sau đó là câu chuyện về sự dũng cảm của những ngư dân ở vùng biển Mammellone bởi Roselena Ramistella (Ý), và những bức ảnh kiến trúc ý niệm đầy màu sắc của Elodie Ledure (Bỉ). Các dự án này dẫn dắt khán giả đi theo những ngã rẽ bất ngờ, kết nối chúng ta tới nhiều cuộc đời khác nhau hay những ý tưởng dường như xa vời.

Qua những bức ảnh, lăng kính của cuộc sống được soi rọi. Chúng giúp ta thấy rằng cuộc sống không phải là một câu chuyện tuyến tính với một kết thúc gọn gàng mà nó có thể cong, xoắn, vặn, và hiện lên khác biệt trong cảm quan của mỗi người.

Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 12/05/2021 tới hết ngày 12/06/2021 tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA), B1-R3 Vincom Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Trong thời gian diễn ra triển lãm, VCCA vẫn luôn thực hiện chặt chẽ các công tác phòng, chống dịch, bao gồm: đo thân nhiệt tại cửa ra vào TTTM Vincom Royal City, giãn cách và yêu cầu khách hàng đeo khẩu trang trong suốt thời gian xem triển lãm./.

Nguồn bài viết