Con đường qua núi non, bản làng, quấn quít bên sông như hình với bóng. Câu hát trong từ những năm tháng đã xa vẫn dâu đây: “Sông Mã ơi! Đôi bờ ôm bóng núi. Núi Ngọc núi Rồng xanh biếc bóng mây...”.
Qua các thị trấn Quan Hoá, Hồi Xuân, ký ức đưa tôi về thời gian gần nửa thế kỷ trước. Năm 1973 tôi đã có dịp qua vùng đất này. Khi ấy, huyện Quan Hoá còn bao gồm cả Mường Lát ngày nay. Đất nước đang còn chiến tranh. Hình ảnh vùng đất này chỉ là những mái tranh nghèo, làng bản lúp xúp và thưa thớt. Con đường trục chính rải đá lồi lõm ổ gà. Những đứa trẻ dân tộc đói ăn, thiếu quần áo ấm vào một năm rét kinh khủng, tha thẩn trước những ngôi nhà xơ xác bên đường.
Thị trấn Quan Hoá bây giờ khác hẳn. Những dãy nhà cao tầng sát bên đường. Nhiều công trình khang trang. Cửa hàng, chợ đông người mua bán. Một cuộc sống hẳn vẫn còn nhiều khó khăn nhưng sự thay đổi rất rõ rệt. Những cây cầu mới, đập thuỷ điện ở Hồi Xuân, Trung Sơn... đang thay đổi cơ cấu kinh tế và hạ tầng của vùng.
Buổi sớm sương giăng mờ. Vẻ đẹp của dòng sông, núi rừng làng bản gần xa thêm huyển ảo và gợi nhớ những câu thơ tuyệt vời của Quang Dũng: “Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi / Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi/ Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi / Mường Lát hoa về trong đêm hơi ...”. Đêm đầu tiên đến thị trấn Mường Lát, đi giữa ánh điện giăng mắc phố huyện, tôi cố hình dung quang cảnh của thời Tây Tiến, khi ánh đuốc đêm theo chân người chiến sĩ về với bản làng trong đêm sương lạnh mà ấm tình quân dân kháng chiến.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện với Vi Văn Hùng, chánh văn phòng UBND huyện Mường Lát để hiểu thêm về tình hình ở đây. Vi Văn Hùng, 38 tuổi, người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại Mường Lát. Anh đã ra Hà Nội học đại học sư phạm, tốt nghiệp về quê hương dạy học. Do yêu cầu công tác, Vi Văn Hùng chuyển sang làm việc ở UBND huyện thời gian gần đây. Những cán bộ người dân tộc, được đào tạo tốt như Vi Văn Hùng rất cần cho Mường Lát hiện nay và sau này.
Theo Vi Văn Hùng, tuy còn nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế xã hội của Mường Lát những năm vừa qua có nhiều thay đổi. Cộng đồng dân cư trên 40 ngàn người, gồm các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Dao, Kinh, Mường, qua những thời kỳ khác nhau luôn đoàn kết, xây dựng cuộc sống chung, làm nên lịch sử và bản sắc văn hoá phong phú cho vùng đất này. Năm 2021, Mường Lát tiếp tục phát triển trong tình hình có nhiều khó khăn về thiên tai dịch bệnh. Hết tháng 10, giá trị sản xuất trên địa bàn tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 21 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế có chuyển biến tích cực. Một số dự án quan trọng được triển khai. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 đã giảm trên 33% so với năm 2016, tuy theo chuẩn mới vẫn còn cao. Huyện đã triển khai chương trình xây dựng 600 căn nhà cho các hộ nghèo, xây dựng 11 bản đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Tình hình dịch bệnh được kiểm soát. An ninh trên toàn tuyến biên giới trên 105 km được giữ vững.
Mường Lát là nơi sông Mã trở lại Việt Nam, sau khi khởi nguồn từ Tây Bắc, vòng qua đất Lào và xuôi về biển để tạo nên đồng bằng Thanh Hoá trù phú. Từ thị trấn, chúng tôi tiếp tục ngược lên cửa khẩu Tén Tằn, nơi sông Mã về đất Việt. Quang cảnh chiều biên giới thật bình yên. Mùa cạn, dòng sông nhỏ bé, hiền lành nơi cửa khẩu. Một số người dân đang đánh cá, vớt củi ven sông. Nhiều người đang làm việc trên đồng cho một mùa gieo trồng mới. Khói lam chiều bay lên từ những ngôi nhà.
Chúng tôi thăm đồn biên phòng cửa khẩu Tén Tằn, nơi có cột mốc 281 và gặp gỡ với đại uý Nguyễn Văn Chiến, đại uý Nguyễn Hữu Cừ đang trong phiên trực. Các anh đều chưa đến 40 tuổi, nhiều năm gắn bó với vùng đất này. Tén Tằn là cửa khẩu quốc gia. Phía bên kia là huyện Xốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn của Lào.
Thời gian đây, do tình hịch dịch bệnh, việc giao thương qua lại giữa hai nước không nhiều như trước nhưng nhiệm vụ bảo đảm an ninh, phòng dịch, chống buôn lậu, giúp dân sản xuất, xây dựng cuộc sống mới trên toàn tuyến vẫn rất nặng nề. Nhiều cán bộ chiến sĩ liên tục bám trụ không kể ngày đêm, tuần tra canh gác, bám dân, bám địa bàn dể hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân Nguyễn Văn Chiến và Nguyễn Hữu Cừ đều có vợ con ở các huyện vùng dưới, nhiều tháng chưa được thăm nhà. Các anh đưa chúng tôi lên cột mốc, thăm cửa khẩu phía các bạn Lào. Ở bất cứ đâu, các cột mốc biên giới có mang số, in hình quốc huy luôn gợi những cảm xúc rất thiêng liêng về ranh giới, cương vực của đất nước, nơi bao thế hệ người Việt đã hy sinh xương máu giữ gìn.
Nơi sông Mã chảy lại vào Việt Nam ngay dưới chân cộc mốc 281. Bên cửa sông, chúng tôi đã gặp và trò chuyện với những người dân đang kéo lưới, vớt củi cành từ trên nguồn xuôi về. Vợ chồng anh Lương Văn Tiến và chị Vi Thị Loan, người Thái, ở trong số đó. Họ kiếm củi đun và bán để có thêm thu nhập. Cả hai bên gia đình họ đã nhiều đời sống ở vùng cửa khẩu này. Với ba sào ruộng và các công việc làm thêm, họ cũng lo được cho hai người con đang đi học các trường ở tỉnh, với hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn sau này. Dáng chị Vi Thị Loan vừa vác vừa gùi củi nặng trên lưng rất ấn tượng. Những người dân bình dị như vợ chồng chị góp phần tạo nên những điểm tựa vững chãi cuộc sống vùng đất biên cương này.
Đển thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào là một điểm đến đặc biệt ở Tén Tằn. Vào thế kỳ XV, ông có công dẹp giặc ngoại xâm, giữ yên vùng biên giới phía tây và được vua Lê phong chức Tư Mã Biên Phòng. Đền thờ ông tại Tén Tằn qua 6 thế kỷ luôn là địa chỉ linh thiêng vùng biên ải này. Chúng tôi đã đến thắp hương tưởng nhớ một người anh hùng luôn sống mãi trong lòng dân vì những công lao vệ quốc.
Thiển viện Trúc Lâm Đại Hoá Tén Tằn được xây dựng trên một mỏm núi cao , nơi có thể nhìn bao quát toàn vùng. Chúng tôi lên đây khi đã cuối chiều nhưng cũng kịp thu vào tầm mắt toàn cảnh núi sông, làng bản gần xa ở một vùng cửa khẩu miền tây đất nước. Mái chùa cong và những bức tượng Phật của thiền viện trên nền phong cảnh trùng điệp, giữa màn sương khói hương và tiếng chuông chùa gợi cảm giác an yên, thanh thản. Ở phía xa, sông Mã trở về đất Việt đang lấp lánh trong bình yên nắng chiều.