‘Người yêu… Hoa hậu’- khi lằn ranh giữa cơ hội và cạm bẫy quá đỗi mong manh

2 năm trước 203

“Người yêu… Hoa hậu” có lời “cảnh báo” đáng chú ý: Chỉ dành cho khán giả trên 16 tuổi và phù hợp với các bạn trẻ dưới 35 tuổi. Việc dán nhãn 16+ này gây rất nhiều tò mò cho khán giả. 

Chú thích ảnhHọp báo giới thiệu vở diễn. 

Theo chia sẻ của ekip thực hiện, vở diễn kỳ vọng sẽ là một món quà tinh thần vừa mang tính giải trí cao lại vừa đọng lại nhiều cảm xúc, suy ngẫm dành cho các bạn gái trẻ cũng như tất cả các bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời nhân dịp 20/10 năm nay. Mặc dù vở kịch có lưu ý phù hợp với khán giả trẻ, dưới 35 tuổi, nhưng qua những suất chiếu chật kín khán giả khi vở kịch công diễn tại Nhà hát kịch thời gian vừa qua, đã cho thấy rằng vở kịch thu hút không chỉ là khán giả trẻ, mà còn hấp dẫn đông đảo khán giả trung niên. 

“Người yêu… Hoa hậu” là một câu chuyện kịch tính thú vị, với đầy đủ các gam màu hỉ nộ ái ố vô cùng sống động, hấp dẫn diễn ra trên sân khấu trong 120 phút, xoay quanh câu chuyện của một cô sinh viên đi thi Hoa hậu và nỗi lòng của một chàng trai có người yêu là Hoa hậu. 

Vở diễn mang đầy tính thời sự, kể về những sinh viên trẻ đang chập chững bước vào đời. Ở đó, cùng với những ước mơ, hoài bão nồng nhiệt của tuổi trẻ, họ cũng đối diện với muôn vàn khó khăn khắc nghiệt của đời sống, đối diện với rất nhiều cơ hội đồng thời cũng đứng trước cạm bẫy giăng đầy trước mắt; nhất là đối với các cô gái đẹp. 

Chú thích ảnhMột cảnh trong  vở diễn "Người yêu... Hoa hậu"

Và trong số những cô gái đẹp ấy, có những cô từ những sinh viên ngây thơ, giản dị, chân chất, nhanh chóng đổi đời nhờ danh hiệu Hoa hậu, họ tiến nhanh đến sự nổi tiếng, và rồi trong ánh hào quang rực rỡ của danh hiệu, họ dần đánh mất mình bởi những tráo trở, mánh lới của những kẻ kinh doanh danh hiệu, nhan sắc, cũng như những tham vọng của chính mình. 

Có thể khẳng định đề tài của vở kịch không mới. Đã nhiều năm nay, khi các cuộc thi sắc đẹp xuất hiện, người ta vẫn nói về câu chuyện đánh đổi tình tiền để có cơ hội đổi đời, chuyện Hoa hậu đại gia, thậm chí là những chuyện ngã giá nhan sắc… Tuy nhiên, ngay trong chính thời điểm này, khi các cuộc thi Hoa hậu đột ngột bùng phát với hơn 20 cuộc thi Hoa hậu trong 1 năm, chưa kể các cuộc thi quốc tế, thì chuyện không mới kia vẫn tồn tại là một vấn đề thời sự vô cùng nóng hổi. Thậm chí, ngày càng “nóng” với nhiều mặt tối khiến công chúng đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác, cuối cùng chỉ biết thở dài ngao ngán than thở về một nỗi buồn mang tên Hoa hậu.

Bởi vậy, nỗi nhức nhối mà vở kịch “Người yêu… Hoa hậu” đã đề cập đến kia, chính là một vấn đề đã “mãn tính”, rất cần sớm “chữa trị”. Tất nhiên, với khuôn khổ một vở kịch, đạo diễn, ekip thực hiện không có tham vọng trở thành “bác sĩ” chữa trị, mà chỉ mong muốn có thể góp một tiếng nói cảnh tỉnh các bạn trẻ cần tỉnh táo trước những lằn ranh mong manh của cơ hội và cạm bẫy. Lằn ranh ấy rất mỏng, mỏng đến nỗi trong suốt khiến đôi khi người ta bước qua mà không hề biết rằng mình vậy là đã bước qua, đã sang một thế giới khác, rất khó lòng quay trở lại. 

Chú thích ảnhĐạo diễn Tùng Linh và ca sĩ Ngọc Châm.

Đạo diễn trẻ Tùng Linh chia sẻ, anh hoàn toàn biết đây là đề tài không mới, kịch bản của NSND Doãn Hoàng Giang cũng đã viết từ 20 năm trước nên có nhiều vấn đề không còn thích hợp trong bối cảnh đời sống hôm nay. Tuy nhiên, trong thời gian đi học đạo diễn, đạo diễn Tùng Linh và đồng đạo diễn Bùi Huệ đã rất ấn tượng với kịch bản và hẹn với nhau sau khi tốt nghiệp sẽ thực hiện vở diễn này. Cuối cùng, đến thời điểm này, vở diễn đã được ra đời từ tâm huyết của hai đạo diễn với sự biên tập của biên kịch Trịnh Thanh Nhã, giúp vở diễn phù hợp với tình hình hiện tại. 

“20 năm trôi qua kể từ khi NSND Doãn Hoàng Giang viết kịch bản này cho đến giờ tính thời sự mà vở kịch đưa ra vẫn hết sức nóng hổi, tôi và đạo diễn Bùi Huệ thấy mình cần có trách nhiệm để góp thêm một tiếng nói cảnh tỉnh bằng ngôn ngữ của nghệ thuật kịch nói. Tôi chỉ nghĩ đơn giản như vậy thôi chứ ban đầu hoàn toàn không có suy nghĩ là mượn sức nóng của vấn đề bùng nổ thi Hoa hậu để dựng vở. Mãi đến khi dựng xong, công diễn, khán giả nói cho tôi biết là vở kịch thời sự quá, rất ý nghĩa trong bối cảnh thi Hoa hậu nhan nhản hiện nay tôi mới… xem báo và biết”- đạo diễn Tùng Linh, hiện là Trưởng phòng tổ chức biểu diễn Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ. 

Chú thích ảnh
Chú thích ảnh
Chú thích ảnhCác cảnh trong  vở diễn "Người yêu... Hoa hậu".

Vì kịch bản đã có 20 năm tuổi, nên đạo diễn Tùng Linh cũng đã phải mất nhiều tâm huyết, công sức để “làm mới” nó bằng nhãn quan thời cuộc của tuổi trẻ. Anh đã phải lê la nhiều ngày ở các quán trà đá ở các trường Đại học, đến nhiều khu trọ sinh viên để tìm hiểu về đời sống sinh viên hiện nay nhằm “cập nhật” trong vở kịch. Vì vậy, khi xem vở, khán giả sẽ cảm nhận thấy sự gần gũi với đời sống của từng nhân vật, từng câu chuyện. Trong suốt 120 phút đồng hồ, khán giả sẽ được đi qua rất nhiều cảm xúc, với nhiều câu chuyện dí dỏm, bật cười của tuổi trẻ, với chuyện tình yêu trong veo, ngọt ngào, với những trăn trở đời sống, những nỗi chật vật sống và học để từ đó cháy lên trong họ khát vọng đổi đời, và từ đó những cơ hội, những cạm bẫy dần giăng ra trước mắt. Trong 120 phút ấy, khán giả cười đấy, thương đấy, phẫn nộ đấy và không ít người đã phải chấm nước mắt xót xa trước cảnh đời, trước tình cảm gia đình yêu thương bao bọc. Nhiều khán giả lớn tuổi đi xem cho biết, họ thích vở kịch bởi họ muốn thấu hiểu nhiều hơn mặt trái của hào quang để từ đó cảnh tỉnh cả con em mình. Không chỉ là câu chuyện thời sự, là mong muốn cảnh tỉnh, vở kịch còn khiến người xem rung động trước tình cảm bạn bè, người thân, tình cảm gia đình… 

“Bắt tay” cùng Nhà hát kịch Việt Nam, ca sĩ Ngọc Châm- Giám đốc Công ty Vàng son một thuở, đơn vị nổi tiếng với chuỗi chương trình “Vàng son một thuở” tôn vinh tác phẩm, tác giả chia sẻ: “Tôi biết việc đi tìm thị trường cho kịch, chiến đấu “tay bo” với thị trường để tìm khán giả cho kịch như hiện nay là điều rất mạo hiểm. Ít ai làm kinh doanh tổ chức biểu diễn lại dám đương đầu với khó khăn để đi vào con đường chông gai này. Nhưng, cũng như tôn chỉ mục đích của “Vàng son một thuở” là tôn vinh những giá trị vàng son của nghệ thuật, tôi mạo hiểm mà đầy kích thích muốn được góp sức tôn vinh sân khấu kịch- một loại hình nghệ thuật mà tôi nghĩ thực sự là tinh hoa, là kết tinh của nghệ thuật biểu diễn.

Tôi đã rất cảm xúc khi xem “Người yêu… Hoa hậu”, tôi nhận thấy tiếng nói của vở kịch vô cùng ý nghĩa trong đời sống hôm nay và cả sau này, vì vậy, tôi muốn đưa vở kịch ra sân khấu lớn hơn để diễn cho đông đảo khán giả xem trong dịp 20/10. Tôi cũng tham vọng sẽ đưa vở diễn lưu diễn ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước thời gian sau này. Tôi có lòng tin, khi khán giả chưa tìm đến chúng ta thì chúng ta phải dùng hết năng lực của mình đi tìm khán giả thì khán giả sẽ đến với mình. Bởi, sản phẩm chúng ta sở hữu rất hay rồi, chỉ thiếu một điểm chạm nhẹ với khán giả, những đơn vị tổ chức biểu diễn như chúng tôi là những người đi tìm và tiếp cận với điểm chạm đó…”. 

Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc cũng rất hào hứng với sự kết hợp này. Anh cho rằng,  đây là sự kết hợp cần có trong bối cảnh sân khấu còn khó khăn như hôm nay. Khi có nhiều người đồng lòng tôn vinh và đưa sân khấu đến gần với khán giả thì sân khấu sẽ có thêm nhiều cơ hội để phát triển rực rỡ hơn. 

“Người yêu… Hoa hậu”, kịch bản: NSND Doãn Hoàng Giang, biên tập: Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, đạo diễn Tùng Linh- Bùi Huệ, Cố vấn nghệ thuật: TS, NGƯT Lê Mạnh Hùng, Chỉ đạo nghệ thuật: Giám đốc, NSƯT Xuân Bắc. 
Nguồn bài viết