Mơ ước của 'xã đảo' về nước sạch thành hiện thực trước thềm Xuân mới

2 tháng trước 39
Chú thích ảnhĐường ống cung cấp nước sạch được lắp đặt cho các hộ gia đình tại xã Minh Châu. Ảnh: Minh Quyết /TTXVN

Nhằm xóa những “khoảng trắng” trong việc cung cấp nước sạch cho các xã ngoại thành, thành phố Hà Nội đã xây dựng kế hoạch chi tiết để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với huyện Ba Vì việc đưa nước sạch về các xã lại hết sức khó khăn, do địa hình vùng núi chia cắt, tập quán sinh hoạt cũ. Với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện Ba Vì đã thực hiện được việc đưa nước sạch về “xã đảo” Minh Châu trước thềm Xuân mới Giáp Thìn, đánh một dấu mốc quan trọng trong “bản đồ” nước sạch của thành phố Hà Nội.

Gian nan đưa dòng nước sạch đến người dân

Nằm bên bờ đê sông Hồng chảy từ tỉnh Phú Thọ về Hà Nội, “xã đảo” Minh Châu (huyện Ba Vì) cách Hà Nội khoảng 60 km. Minh Châu là xã nhỏ với diện tích 560 ha, dân số hơn 1.400 hộ (khoảng 6.500 nhân khẩu), ba bề xã là sông nước. Người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp thuần túy như trồng chuối, nuôi bò sữa. Những năm trước, người dân ở đây phải sống trong cảnh “sống ngâm da, chết ngâm xương”, do liên tục gặp lụt lội. Đến năm 2000, xã Minh Châu mới có điện lưới quốc gia.

Dù sống bên cạnh dòng sông lớn nhưng nước sạch ở Minh Châu lại rất thiếu thốn. Nước tại các giếng khoan ở đây bị nhiễm asen, sắt, can xi... phế phẩm từ nghề chăn nuôi bò, càng làm cho nguồn nước ngầm quanh xã bị ô nhiễm không có lợi cho sức khỏe. Người dân phải lọc nước rất nhiều lần mới có thể sử dụng cho ăn uống, sinh hoạt. Nước sinh hoạt chưa đảm bảo nên cũng ảnh hưởng đến sức khỏe và sản xuất kinh doanh, chăn nuôi của người dân. Nhiều thế hệ người dân mong muốn được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nắm được tâm tư này, từ năm 2022, huyện Ba Vì cùng với nhà đầu tư đã khởi sự đưa nước sạch về Minh Châu. Tuy nhiên, do COVID-19, cùng với địa hình sông nước phức tạp việc đưa nước về “xã đảo” không được thuận lợi như kế hoạch ban đầu.

Chú thích ảnhĐường ống cung cấp nước sạch được lắp đặt cho các hộ gia đình tại xã Minh Châu. Ảnh: Minh Quyết /TTXVN

Việc thi công lắp đặt đường ống dịch vụ trên đất liền diễn ra nhanh chóng nhưng để cấp nước vào xã lại gặp nhiều trở ngại do đặc thù xã nằm ở bãi giữa sông Hồng, khó xây dựng đường ống dẫn chính. Huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công đặt mũi khoan xuyên lòng sông Hồng để cấp nước cho Minh Châu. Nhưng do vấn đề địa chất, 2 mũi khoan ban đầu khá tốn kém về vật chất và thời gian đã không thành công. Trong tình cảnh đó, lãnh đạo huyện chỉ đạo, chỉ bàn tiến, không khuất phục trước khó khăn và không thể chậm trễ tiến độ hơn nữa. Huyện đã chỉ đạo nhà thầu thi công đặt mũi khoan thứ 3 để đưa nước tới “xã đảo”.

Niềm vui vỡ òa khi mũi khoan thành công, đưa đường ống D160 qua sông Hồng dẫn dòng nước sạch đến với Minh Châu. Đúng ngày 28 tháng Chạp năm Quý Mão, nhiều hộ dân “xã đảo” được sử dụng nước sạch trước thềm Xuân mới Giáp Thìn.

Tương lai mới cho “xã đảo”

Chú thích ảnhHộ gia đình ông Nguyễn Công Hồng được sử dụng nước sạch đúng dịp Tết đến, Xuân về. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong tiết trời không khí lạnh tăng cường, kèm mưa nhỏ, nhưng những công nhân Công ty Cổ phần Nước sạch Ba Vì vẫn miệt mài lắp đặt đồng hồ, đường ống từ tuyến ống trục chính tới các nhà dân. Đơn vị thi công thông tin, công việc lắp đặt được thực hiện đến hết ngày 29 Tết với những hộ dân đã đăng ký, để kịp có nước sạch cho người dân sử dụng trong năm mới Giáp Thìn.

Là một trong những người lắp đặt và sử dụng nước sạch đầu tiên của thôn Chu Châu, xã Minh Châu, anh Nguyễn Duy Quyền (làm nghề chế biến thức ăn chín và vịt quay) không giấu nổi niềm vui, chia sẻ: Ra Giêng, gia đình dự định mở rộng quy mô kinh doanh để tăng thu nhập. Có nước sạch sẽ là điều kiện tốt để người dân mở mang thêm ngành nghề, chăn nuôi.

Thêm vào câu chuyện thời sự nước sạch về làng những ngày cận Tết Nguyên đán, ông Nguyễn Công Hồng (70 tuổi, ở thôn Chu Châu) vừa nhanh tay vặn vòi nước sạch, đun ấm pha trà, vừa hào hứng cho biết: Nằm trong địa bàn Hà Nội nhưng nước sạch vẫn là điều mà nhiều người dân ở đây chưa dám nghĩ đến. Được sự quan tâm của thành phố và huyện, giấc mơ về nước sạch đã thành hiện thực. Từ giờ trở đi, con cháu chúng tôi không phải chịu cảnh sống bên sông nhưng thiếu nước sạch nữa. “Đây sẽ là dấu mốc lịch sử đáng nhớ với người dân “xã đảo”. Thủy, hỏa bắt nguồn sự sống, tôi tin khi có nước sạch, đời sống người dân sẽ đổi thay, phát triển mạnh trong thời gian tới”, ông Hồng chia sẻ.

Trên đường chính dẫn vào xã Minh Châu và các ngõ xóm, các hộ dân treo trang trọng những lá cờ Tổ quốc, làm cho sắc Xuân thêm phần khí thế. Bên trong nhiều căn nhà là tiếng nước sạch chảy róc rách vào bể chứa, các thau chậu hay nồi luộc bánh chưng. Đi kiểm tra việc cấp nước sạch vào ngày 28 tháng Chạp - ngày làm việc cuối cùng, lãnh đạo huyện Ba Vì hòa vào niềm vui chung với người dân, khi chứng kiến nhiều gia đình được sử dụng nước sạch chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn được tươm tất hơn.

Chú thích ảnhChủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng (cầm vòi nước) kiểm tra việc cấp nước sạch cho xã Minh Châu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Qua tiếp xúc, ông Đỗ Mạnh Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì vui mừng nhận thấy, người dân Minh Châu đã nhận thức được giá trị của nước sạch đối với cuộc sống hàng ngày. Có nước sạch sẽ là cơ hội tốt để người dân mở rộng ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống; đưa xã Minh Châu ngày càng phát triển. Với những lợi ích từ nước sạch, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì mong muốn, chính quyền xã, thôn tiếp tục tuyên truyền vận động người dân bỏ thói quen, tập quán sử dụng nước giếng khoan và các nguồn nước khác cho sinh hoạt mà chuyển đổi sang dùng nước máy hợp vệ sinh; tiến tới 100% hộ dân trong xã sử dụng nước sạch. Việc làm này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước mà quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe người dân.

Người đứng đầu UBND huyện Ba Vì cho biết, với mục tiêu tối thượng vì sức khỏe của nhân dân, thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của huyện, phối hợp với các đơn vị thi công, đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các bước thực hiện dự án nước sạch đối với 3 xã miền núi cuối cùng của huyện là: Minh Quang, Ba Vì, Khánh Thượng; hướng tới 100% số xã trên địa bàn có nước sạch vào năm 2025.

Nguồn bài viết