MV xẩm ‘Công cha ngãi mẹ sinh thành’: Tân Nhàn tiếp tục ‘định vị’ mình trong làng nhạc Việt

2 năm trước 263

MV được phát hành vào những ngày cuối năm 2021 với ý nghĩa khép lại một năm vất vả về dịch bệnh và là lời chào của Tân Nhàn đến năm mới 2022 với nhiều hy vọng. 

MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” là câu chuyện về tình yêu bao la của người cha, người mẹ, về tình yêu quê hương đất nước và sức mạnh của những người con ưu tú đã lớn lên từ vòng tay cha mẹ để bảo vệ, xây dựng một Việt Nam hùng cường trải qua hàng ngàn năm lịch sử. 

Trong MV, khán giả sẽ thấy những hình ảnh quen thuộc, bắt đầu từ truyền thuyết cha Rồng, mẹ Tiên với bọc trăm trứng, sau đó là những hình ảnh rất thân thương về ruộng đồng trong mùa cấy cày; về tình mẹ, tình cha bất kể nắng mưa, gió bão đều hết lòng chăm lo cho đứa con ngày càng khôn lớn; về những bữa cơm gia đình ấm áp, những bình yên của quê hương yêu dấu đã nuôi lớn đứa con nhỏ trưởng thành, vụt lớn lên mạnh mẽ như hình ảnh truyền thuyết Thánh Gióng, đem sức mạnh bảo vệ quê hương, đất nước cũng là bảo vệ mẹ cha mình... Và cuối cùng người con ấy vẫn luôn trở về bên mẹ, bên cha yêu dấu, luôn ghi nhớ trong lòng “Công cha ngãi mẹ sinh thành”

Chú thích ảnhCa sĩ Tân Nhàn trong MV  “Công cha ngãi mẹ sinh thành”.

Tân Nhàn chia sẻ, từ xưa đến giờ, các album của cô dù là 10 bài hay 12 - 13 bài, dù mất rất nhiều thời gian để đi học hỏi các nghệ nhân dân gian như album “Níu dải lụa đào”, thì cũng chỉ mất 1 năm. Trong khi đó, MV “Công cha ngãi mẹ sinh thành” được thực hiện suốt 2 năm trời ròng rã.

Tân Nhàn cho biết, cô “thai nghén” MV này ngay sau khi hoàn thành liveshow “Trở về” năm 2019. “Trở về” là liveshow được giới chuyên môn đánh giá cao ở tính cống hiến khi táo bạo kết hợp âm nhạc dân gian, truyền thống với dàn nhạc giao hưởng và dàn nhạc dân tộc. Sự kết hợp này đã gây nhiều bất ngờ, tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ, lan toả tình yêu âm nhạc truyền thống trong công chúng, truyền cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ trẻ tìm đến âm nhạc truyền thống và khai phá, làm mới nó hơn, góp phần tôn vinh và giúp âm nhạc truyền thống “sống” trong đời sống đương đại. Nhờ những nỗ lực đó mà liveshow “Trở về” của Tân Nhàn đã được ghi nhận bởi Giải Âm nhạc Cống hiến lần thứ 15 - 2020 ở hạng mục “Chương trình của năm”- giải thưởng âm nhạc thường niên, uy tín do báo Thể thao Văn hoá thực hiện, được bầu chọn từ sự đánh giá của các nhà báo theo dõi âm nhạc trên toàn quốc. 

Chú thích ảnhNhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người đồng hành đặc biệt của ca sĩ Tân Nhàn trong MV.

Sau hiệu ứng của liveshow “Trở về”, Tân Nhàn đã bàn bạc với nhạc trưởng Đồng Quang Vinh, người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng và dân tộc trong liveshow, tiến hành hoà âm phối khí cho bài xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành”. Sinh ra trong một gia đình nghệ thuật truyền thống, cha là NSƯT Đồng Văn Minh - nghệ sĩ biểu diễn nhạc cụ dân tộc, mẹ là NSƯT Mai Lai giảng viên môn đàn tranh của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đồng Quang Vinh theo học sáo trúc từ năm 9 tuổi, năm 20 tuổi anh được cử đi học chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc dân tộc tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải (Trung Quốc). Với sự học hỏi nghiêm túc và dày công khổ luyện chuyên môn, Đồng Quang Vinh đã nổi lên như một tài năng của Việt Nam tại Thượng Hải, anh đã được trao tặng học bổng dành cho sinh viên xuất sắc nhất của Quỹ Quốc gia Trung Quốc. Chính vì vậy, từ trong máu của mình, Đồng Quang Vinh đã có tình yêu sâu đậm với âm nhạc truyền thống Việt Nam và anh luôn mang khát vọng khơi dậy những di sản tinh hoa âm nhạc truyền thống Việt trong sự nghiệp nghệ thuật của mình. Bắt gặp ý tưởng, sự táo bạo dám nghĩ, dám làm và tinh thần cống hiến cho tinh hoa nghệ thuật truyền thống của dân tộc ở Tân Nhàn, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh đã vô cùng hào hứng bắt tay vào thực hiện hoà âm phối khí cho bài xẩm. 

Chú thích ảnhTân Nhàn và nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân.

Quá trình hoà âm phối khí của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh mất tới nửa năm. Không vì lý do bận rộn, không vì bất cứ một lý do nào, chỉ đơn giản là bởi Đồng Quang Vinh đã dành rất nhiều thời gian dày công nghiên cứu tỉ mỉ để có thể đem đến cho bài xẩm một bài phối hoàn toàn khác biệt, vẫn đảm bảo được tinh tuý từ bài xẩm đã gắn liền với nghệ nhân Hà Thị Cầu mà tôn vinh được một tinh thần xẩm mới của Tân Nhàn và làm sao để khán giả hôm nay, khán giả thế giới có thể nghe và yêu được tác phẩm này.     

Trong phần âm nhạc của “Công cha ngãi mẹ sinh thành”, người nghe sẽ cảm nhận thấy rất rõ không gian âm nhạc ngũ cung đặc trưng của âm nhạc truyền thống, cùng với đó là những nét thú vị như phảng phất tiếng mõ tụng kinh phản ánh một không khí Phật giáo, mầu văn hóa phương Đông, hoà quyện với âm nhạc giao hưởng phương Tây, cảm nhận được nét nhạc của nhà soạn nhạc J.S.Bach và A.Vivaldi quyện vào trong đó. Phần phối khí được nhạc sĩ, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh kết hợp dấu ấn văn hóa tôn giáo Đông – Tây, nhưng không trực tiếp, chỉ gợi ra cho người nghe những chiều không gian âm nhạc khác nhau, và có thể lay động được mỗi người ở bất cứ đâu trên thế giới này. Bởi dù cuộc đời này có bão giông đến thế nào thì sau bão táp mãi mãi là sự nồng ấm của cha mẹ, và quê hương đất nước.

Chú thích ảnh

Nhờ đó, âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc giao hưởng đã có một sự hoà quyện vô cùng hài hoà, uyển chuyển và bắt tai trong phần âm nhạc tác phẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” của Tân Nhàn. Đặc biệt, phần kết hợp biểu diễn giữa Tân Nhàn cùng tiếng đàn cello của Tiến sĩ, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân theo ý tưởng sáng tạo của chính Tân Nhàn đã “lạ hoá”, đem đến một sự cảm thụ âm nhạc hoàn toàn mới mẻ, thú vị cho bài xẩm này. Tiến sĩ âm nhạc, nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc khi được tham gia tác phẩm này của chị Tân Nhàn. Một tác phẩm vô cùng thú vị, và đặc biệt, cái cách chị Tân Nhàn kết hợp khéo léo giữa nhạc giao hưởng từ bản phối của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và tiếng cello cùng giọng hát rất hay của chị là điều hết sức độc đáo”.  

Tiến sĩ âm nhạc, NSƯT Cồ Huy Hùng, Trưởng khoa Nhạc cụ truyền thống, Học Viện Âm Nhạc Quốc Gia Việt Nam đã đánh giá sự kết hợp, hòa quyện tuyệt vời ấy giúp bài xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” vừa đậm tính dân tộc lại vừa sang trọng của âm nhạc giao hưởng. Người nghe có thể thấy được bài xẩm đã thực sự bước sang một không gian khác, một tầng âm nhạc khác nhưng không mất đi chất liệu dân gian cổ truyền của mình mà phù hợp hơn với gu thưởng thức đương đại. 

Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đánh giá cao tác phẩm này là một tác phẩm âm nhạc dân gian đương đại rất đáng nghe và rất sáng tạo: “Phải nói là đây là một MV rất thú vị. Giọng hát của Tân Nhàn tương phản với tiếng đàn cello của Đinh Hoài Xuân. Một bên là giọng hát 1 bên là nhạc cụ. Một giọng hát theo phong cáh hát âm nhạc xẩm cổ truyền của Việt Nam với kỹ thuật âm nhạc phương tây thì tiếng đàn của Đinh Hoài Xuân là nhạc cụ phương Tây lại chơi một tác phẩm của Việt Nam. Hai họa tiết này đặt trên nền một tổng thể bức tranh đằng sau là phần nhạc đệm của Đồng Quang Vinh. Phần nhạc đệm đa phong cách, lúc thì đưa chúng ta trở về với cả vài trăm năm trước ở Châu Âu, lúc thì hướng tới cái không gian âm nhạc mang tính chất thời thượng với những bộ gõ thời hiện đại, cả cái tổng thể của khối âm thanh này tạo nên một tính chất âm nhạc rất thú vị, rất độc đáo, một MV về âm nhạc dân gian đương đại rất đáng nghe và rất sáng tạo. Tôi rất thích tác phẩm này”. 

Nhạc sĩ Huy Tuấn tin rằng tất cả những khán giả chưa biết nhiều về xẩm sẽ cảm thấy dễ thẩm thấu hơn qua phần thể hiện của Tân Nhàn: “Tôi đã từng nghĩ đây là tác phẩm mãi mãi thuộc về nghệ nhân Hà Thị Cầu cho đến khi nghe lại phần trình diễn của Tân Nhàn cũng như cách thể hiện của Tân Nhàn trong tác phẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành” này. Tôi rất ấn tượng với cách làm của Ekip, rất ấn tượng với dàn dựng cũng như hình ảnh trong MV, rất sáng tạo, mới mẻ và gần gũi”.

Tiến sĩ âm nhạc, NSND Quốc Hưng, Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện âm nhạc Quốc gia Việt Nam nhận định: “Đây là một tác phẩm rất độc đáo. Khi nói đến xẩm, người ta nghĩ ngay dến đàn nhị, hồ và tiếng gõ nhịp, nhưng 3 nghệ sĩ đã làm khác đi hoàn toàn. Một sự mới lạ qua sự kết hợp, hoà quyện cả một dàn nhạc, đàn cello và 1 giọng hát đậm chất dân gian của Tân Nhàn. Tôi cho rằng, đây là một tác phẩm giao hưởng của hát xẩm. Nhạc sĩ, nghệ sĩ chỉ huy Đồng Quang Vinh xuất thân từ gia đình âm nhạc truyền thống nên rất hiểu ngũ cung, vì vậy, anh đưa dàn nhạc vào trong lối hát xẩm rất hoà quyện, rất hợp. Nghệ sĩ cello Đinh Hoài Xuân là nghệ sĩ nổi tiếng, tiếng đàn cello của chị rất đầy đặn, đan xen trong dàn nhạc làm nổi bật được giọng hát trong sáng vẫn đậm chất dân gian như Tân Nhàn. Tôi thật sự rất ngạc nhiên trươc sự phối kết hợp của 3 nghệ sĩ. Khi xem MV tôi rất xúc động. Từ cách hát, luyến láy, nhấn nhá vẫn giữ được gốc của hát xẩm nhưng vẫn mang được hơi thở rất mới rất hiện đại.

Nếu như liveshow “Trở về” với sự thử nghiệm táo bạo kết hợp dòng nhạc dân gian, nghệ thuật truyền thống với dàn nhạc giao hưởng, dàn nhạc dân tộc thì đến MV xẩm “Công cha ngãi mẹ sinh thành”, Tân Nhàn thực sự đã định vị một dấu ấn Tân Nhàn riêng biệt trong làng nghệ thuật Việt Nam mà không phải ai cũng dám nghĩ, dám làm. Sẽ rất hiếm người mạo hiểm để bỏ tiền bạc, công sức, tâm huyết để thực hiện những sản phẩm tương tự với âm nhạc truyền thống nếu không phải là vì tinh thần cống hiến, khát vọng tôn vinh âm nhạc dân tộc, góp phần đưa âm nhạc dân tộc phát triển trong đời sống hiện đại hôm nay. 

Nguồn bài viết