Cùng với dịch bệnh, chiến tranh, thì thiên tai là thách thức, là mối đe dọa lớn đến sự sống còn của nhân loại. Cả thế giới đang chung tay chống lại đại dịch COVID-19 với nhiều nỗ lực để có thể đẩy lùi dịch bệnh. Việc ứng phó với biến đổi khí hậu cũng vậy, đó là vấn đề của toàn cầu chứ không còn của riêng một quốc gia hay vùng lãnh thổ nào. Trong đó, việc bảo vệ các cánh rừng, “lá phổi của hành tinh” càng trở nên cấp thiết.
Số liệu từ Viện Tài nguyên thế giới cho thấy những khu rừng hấp thụ khoảng 30% lượng khí thải CO2. “Lá phổi xanh” lấy khí thải ra khỏi bầu khí quyển và ngăn khí thải khiến nhiệt độ Trái đất ấm lên. Nhưng nhiều khu rừng trên Trái đất đang biến mất do nạn chặt phá, cháy rừng và những nguyên nhân khác. Theo chương trình theo dõi nạn phá rừng Global Forest Watch, chỉ riêng trong năm 2020, thế giới đã mất 258.000 km2 rừng.
Thực tế, đã có những cái giá đắt phải trả cho hậu quả do biến đổi khí hậu, với thảm họa thiên nhiên như hạn hán hay lũ lụt gây ra, bất kể đó là quốc gia lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo, phát triển hay đang phát triển. Trong năm nay, người ta đã chứng kiến hàng loạt các nước ở châu Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan hay các quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc, Indonesia… phải hứng chịu những trận mưa lớn khiến lũ lụt nghiêm trọng. Tại Đức, có những khu vực đã ghi nhận lượng mưa chưa từng có trong vòng 100 năm lại đây.
Tại châu Á, Tổ chức khí tượng thế giới (WMO) của Liên hợp quốc cũng đưa ra thông số: Năm 2020 được ghi nhận là năm nóng nhất trong lịch sử ở châu Á, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sự phát triển của toàn châu lục. Các trận lũ lụt và bão xảy ra năm 2020 đã ảnh hưởng đến khoảng 50 triệu người, trong đó 5.000 người thiệt mạng. Nhiệt độ trung bình ở châu Á trong năm 2020 cao hơn 1,39 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1981-2010.
Thực tế, mối lo Trái đất đang nóng lên, lũ lụt, hạn hán… với những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã thể hiện rõ trên khắp thế giới, cần sự chung tay và nỗ lực của tất cả các quốc gia vì một “hành tinh xanh” và kéo giảm những tác động xấu nhiều nhất có thể.
Chủ tịch Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26, diễn ra tại Anh, từ 31/10 đến 12/11), ông Alok Sharma, trong phiên khai mạc hội nghị đã kêu gọi các nước cùng nhau hành động để ngăn chặn những tác động thảm khốc nhất của tình trạng ấm lên toàn cầu. Ông nói: "Hành tinh của chúng ta đang thay đổi theo hướng xấu đi", và "Nếu chúng ta hành động ngay bây giờ và hành động cùng nhau, chúng ta có thể bảo vệ hành tinh quý giá của mình".
Tham gia COP26, trong bài phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định: Biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư của chúng ta.
“Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ, có trách nhiệm và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu. Đây là vấn đề toàn cầu nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đây là vấn đề ảnh hưởng đến mọi người dân nên phải có cách tiếp cận toàn dân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hội nghị COP26 vì thế được kỳ vọng là “cơ hội sau cùng” để các nhà lãnh đạo trên thế giới đưa ra hành động cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn tại kể từ khi ký Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015; đồng thời thúc đẩy hơn nữa các nỗ lực nhằm khống chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Để thực hiện mục tiêu này, mỗi quốc gia đã những cam kết cụ thể của mình về giảm lượng phát thải, sử dụng năng lượng sạch, loại bỏ sử dụng than đá, chấm dút tài trợ các dự án nhiên liệu hóa thạch ở nước ngoài… Nhưng cam kết của các nhà lãnh đạo của trên 100 quốc gia (đại diện các quốc gia sở hữu 85% diện tích rừng toàn cầu) về ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này được đặc biệt chú ý. Bởi hiện nay, tình trạng nhiều cánh rừng mất đi cũng như những hệ luỵ mà con người phải gánh chịu từ hậu quả này đang ở mức báo động.
Với cam kết này, thỏa thuận đã được mở rộng đáng kể so với cam kết được 40 quốc gia đưa ra như một phần của Tuyên bố New York về Rừng năm 2014. Trong đó, đại diện cho nước có tới 20% diện tích rừng toàn cầu, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Nga sẽ triển khai các biện pháp quyết liệt để bảo tồn rừng, cải thiện năng lực quản lý, mở rộng diện tích rừng tái sinh đồng thời tăng đầu tư cho các hoạt động này. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết Mỹ sẽ “giúp thế giới thực hiện mục tiêu chung là ngăn chặn mất rừng tự nhiên và khôi phục ít nhất 200 triệu hecta rừng và các hệ sinh thái khác vào năm 2030”, theo đó, chính quyền Mỹ sẽ yêu cầu Quốc hội chi 9 tỷ USD cho việc bảo tồn rừng…
Vì thế, cam kết ngăn chặn và đẩy lùi nạn phá rừng cũng như tình trạng suy thoái đất vào cuối thập niên này có thể được coi là “cam kết mạnh mẽ” các nhà lãnh đạo của trên 100 quốc gia để bảo vệ rừng. Đó không còn chỉ là lời cam kết chung chung hay hô hào mà các mục tiêu rất cụ thể và rõ ràng, khẳng định sự hợp tác, “bắt tay” của các quốc gia để bảo vệ các cánh rừng trên toàn thế giới trước khi mọi việc trở nên quá muộn.
Biến đổi khí hậu đã trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu, buộc các quốc gia phải cam kết cụ thể và hành động mạnh mẽ hơn, thực chất hơn vì một mục tiêu chung để ứng phó, mà trong đó, bảo vệ rừng và những giải pháp dựa trên tự nhiên sẽ là yếu tố sống còn để đạt được mục tiêu đó.
Bảo vệ các cánh rừng cũng chính là bảo vệ những gì của tự nhiên, “tôn trọng tự nhiên, thuận theo tự nhiên”. Lắng nghe nghiêm túc “lời cảnh báo của tự nhiên” gắn với đẩy mạnh, hiện thực hoá các cam kết, sẽ góp phần giải quyết tình trạng Trái đất ấm lên - mục tiêu mà các quốc gia đang cùng nhau nỗ lực hướng tới.