Vang dội chiêng trống giữa đại ngàn Trường Sơn
Với đồng bào dân tộc Cơ Tu sống giữa đại ngàn Trường Sơn, trước đây chỉ tổ chức lễ hội sau mùa tuốt lúa, thường rơi vào thời điểm tháng 2 dương lịch. Thế nhưng, những năm gần đây, bà con đã hình thành thói quen đón tết cổ truyền như người miền xuôi và không thể thiếu lễ hội ăn trâu, mừng xuân trong 3 ngày Tết.
Thông thường ngày đầu năm, mọi người trong buôn tề tựu chung quanh cây cột lễ dựng trước sân nhà Gươl đã được chạm khắc, trang trí sơn phết hoạ tiết lạ mắt. Ngoài ý nghĩa là nơi hội tụ của đấng siêu nhiên về hưởng thụ lễ vật, cột lễ còn là biểu tượng của sự no ấm, tính phồn thực và để buộc trâu hiến sinh bên cạnh bàn thờ bày lễ vật dâng cúng.
Sau khi chứng kiến già làng khấn vái và dâng lễ, theo nhịp trống cái Kathu cùng với tiếng chiêng, thanh la vang rền rộn rã, các sơn nữ trong bộ váy dài thổ cẩm nhưng để hở đôi vai toát lên vẻ đẹp đầy nữ tính, bắt đầu mở hội bằng điệu múa Cơ tung Za zá – dịu dàng uyển chuyển vòng quanh cột lễ thể hiện sự tôn kính, cảm tạ thần linh. Nối tiếp là những người đàn ông đóng khố một tay cầm khiêng một tay cầm kiếm, dáo mác, bước đi nhịp nhàng, biểu dương sức mạnh. Bỗng nhiên nhịp trống chuyển sang tiết tấu dồn dập, kích thích mọi người hú vang lên đồng thời vung kiếm chém về phía trước như những chiến binh dũng mãnh đang xung trận.
Trước kia, mỗi lần tổ chức mừng lúa mới, cầu mưa hoặc sau này thêm hội xuân đón Tết, dân làng đều tiến hành nghi lễ đâm trâu hiến tế qua hình thức trai tráng dùng lao đâm cho nó giãy giụa chết từ từ trong sự phụ họa của giai âm chiêng trống và những điệu múa cổ truyền nhằm cầu mong sức khỏe dân làng vững bền, buôn làng sung túc, đoàn kết. Nhưng ngày nay, người Cơ Tu đã loại bỏ nghi thức đậm chất bạo lực này mà thay vào đó là già làng sẽ dùng cây que chọc mũi trâu lấy một ít máu tượng trưng cúng bái thần linh rồi giao trai làng đưa đi giết thịt phân chia đều cho các hộ dân.
Để tổ chức lễ hội mừng xuân phải có sự đóng góp công sức của cả cộng đồng. Ngoài việc mỗi hộ đóng góp tiền, các nghệ nhân trong làng tham gia đội nhạc, đội múa diễn tấu... cánh đàn ông còn vào rừng chặt tre nứa, thiết kế cột nêu, cột lễ, bàn thờ… Riêng phụ nữ tất bật từ mấy hôm trước chuẩn bị lương thực, gà, các loại thịt gác bếp hun khói cùng nhiều loại rau rừng, măng... để chế biến mâm cỗ thịnh soạn cúng Yàng, sau là cho dân làng hưởng lộc, đãi khách gần xa. Trong các lễ hội này, không thể thiếu rượu Tà Vạt chiết xuất từ cuống buồng quả và cuống buồng hoa cây Tà Vạt (hay còn gọi cây đoác) sau đó ngâm vỏ cây chuồn để nên men. Muốn rượu có nồng độ cao thì ngâm nhiều vỏ chuồn đã phơi 3-4 nắng và ngược lại thì chỉ bỏ ít vỏ cây. Rượu có đặc điểm khi uống vào có vị đắng, dần dần dịu ngọt đầu lưỡi nhưng say chuếnh choáng lúc nào không hay.
Chợ tình bên bờ sông Đà
Sáng mùng 4 Tết, từ thị xã Mường Lay, chiếc thuyền sắt hình dáng thon thả xuôi dòng Đà giang đưa chúng tôi đến xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa (tỉnh Điện Biên) địa danh gắn liền với người dân tộc Dao Làn Tẻn hay còn gọi Dao áo dài, quần chẹt.
Khi những ngày đông ảm đạm buốt giá qua đi nhường chỗ cho không khí mùa xuân ấm áp tràn về, bà con Dao Làn Tẻn lại theo thuyền ngược xuôi đến Huổi Só trẩy hội kín cả bến nước. Ngày hội được xem là mùa kết duyên khi trai gái người Dao được dịp gặp gỡ, làm quen, tìm hiểu, bày tỏ tình cảm với nhau.
Nếu ở Tây Bắc, một số bản làng người Mường, người Thái vẫn còn duy trì tục lệ “ngủ thăm” trước khi chính thức thành vợ thành chồng hoặc con trai người Mông thực hiện tục “kéo vợ”, thì người Dao Làn Tẻn cũng kéo nhau về sống chung một nhà khi chàng trai, cô gái ưng thuận… để rồi sau đó nhờ người sang đàng gái xin cưới hỏi và tiến hành nghi lễ theo tập tục.
Tiếp tục xuôi dòng về Quỳnh Nhai và thuyền ghé bến cầu Pá Uôn - một cây cầu nổi tiếng không chỉ nằm vị thế vắt ngang dòng nước xanh biếc giữa vùng núi đá vôi kỳ vỹ quanh năm "Sương khói nhòa trong đá/Mây ngàn lãng đãng bay" mà còn được chính thức công nhận là cây cầu có trụ cao nhất Việt Nam. Nhưng chính âm điệu chiêng, trống, xập xèng rộn ràng của bà con dân tộc Thái Đen tổ chức hội xòe bên bờ sông Đà đã dần cuốn hút đôi chân chúng tôi.
Xòe mang đến tiếng cười, sự lạc quan trong cuộc sống, cho trai gái yêu nhau, mùa màng tốt tươi, ngô khoai đầy gác, thóc lúa đầy bồ. Vậy nên, vào những ngày đầu Xuân, từ sáng sớm đến chiều tối, nhà ai có khách tới chúc Tết hoặc cứ vui là họ gióng trống khua chiêng báo hiệu mở hội thì không ai trong thôn bản có thể thoát khỏi sức hút của vòng xòe. Hơn nữa một khi nhịp trống còn âm vang, đống lửa ngoài sân vẫn còn âm ỉ cháy thì bước chân, điệu múa không muốn dừng.
Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang đẹp quanh năm nhưng có lẽ đẹp nhất là vào mùa Xuân khi hoa đào, hoa mận, hoa lê bung nở khoe sắc trên ngôi nhà trình tường, mái ngói rêu phong và văng vẳng dưới thung lũng tiếng khèn mông lúc chơi vơi khi cao vút như lời tình tự sâu lắng. Thời điểm này cũng là dịp những chàng trai, cô gái người Mông từ các bản làng đổ về du xuân trên đường đèo như những dòng suối thổ cẩm muôn màu.
Phong tục vỗ mông tỏ tình đem đến sự tò mò cho du khách phương xa.Đặc biệt ngày Tết, trai gái dạo chơi tìm bạn và thường thổ lộ tình cảm qua tục “vỗ mông”, nếu cô gái hoặc chàng trai ưng thuận thì sẽ “vỗ mông” đáp trả và từ lúc đó họ chính thức yêu nhau.
Thật ra, vỗ mông vừa là giao ước vừa là hình thức công khai tình cảm trước cộng đồng bởi trước đó họ đã có dịp tìm hiểu người bạn đời. Đây là một phong tục có từ lâu đời nhưng chỉ còn duy nhất người Mông trắng sống tại huyện Mèo Vạc duy trì đến ngày nay, đã làm phong phú thêm kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.