Nguồn vốn thực hiện được lấy từ nguồn ngân sách tỉnh, ngân sách trung ương hỗ trợ, vốn vay và vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước. Trong đó, hơn 6.680 tỷ đồng thực hiện đề án là nguồn vốn huy động xã hội hóa công trình cấp nước.
Đề án được triển khai nhằm bảo vệ, khai thác hiệu quả, phát triển bền vững nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Công suất cấp nước đạt khoảng 365.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 và đạt khoảng 559.800 m3/ngày đêm giai đoạn 2026 - 2030.
Theo Quyết định công bố số liệu theo dõi, đánh giá nước sạch nông thôn tỉnh Bình Phước năm 2023 vừa được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, vẫn còn nhiều công trình cấp nước tập trung hoạt động kém bền vững.
Cụ thể, tỷ lệ hộ gia đình trên địa bàn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,2%; sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 10,93%. Hộ nghèo sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 93,1%; sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam 2,74%. Trong khi đó, các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn hoạt động kém bền vững vẫn chiến tỷ lệ lớn.
Trong số 42 công trình cấp nước tập trung trên địa bàn, có 11 công trình hoạt động bền vững, 3 công trình hoạt động tương đối bền vững, 17 công trình hoạt động kém bền vững, 11 công trình không hoạt động.
Việc các công trình cấp nước hoạt động kém bền vững và không hoạt động là do nhiều công trình sử dụng công nghệ lạc hậu, hoạt động nhiều năm nhưng không được nâng cấp; một số công trình được đầu tư xây dựng tại khu vực có mật độ dân số thấp, nhu cầu sử dụng nước máy của người dân không lớn; việc quản lý, vận hành do chính quyền cấp xã thực hiện, trong khi đội ngũ vận hành không đủ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Bình Phước có diện tích 6.873 km2, có 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 3 huyện biên giới tiếp giáp với 3 tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia. Toàn tỉnh hơn 1 triệu người, trong đó 20% là người dân tộc thiểu số; có 41 dân tộc sinh sống.