Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2,8 km, từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923, phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy). Công trình có tổng kinh phí xây dựng gần 315 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh và vốn đối ứng của thành phố Cần Thơ.
Kè được thiết kế xây dựng kiên cố, với đỉnh kè cao 2,8 m, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng rãi… nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng có những diễn biến khó lường.
Đến nay, công trình thi công được khoảng 70% khối lượng, đảm bảo chất lượng, đạt theo yêu cầu thiết kế. Tuy nhiên, tiến độ xây dựng gói thầu 1, 2 thuộc địa bàn quận Ninh Kiều còn chậm so với kế hoạch.
Theo Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ) - đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, nguyên nhân do quá trình triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư đối với phần đất cặp sông, rạch, đất bãi bồi, đất san lấp kênh rạch mất nhiều thời gian, chậm giải phóng mặt bằng, làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ xây dựng.
Ngoài ra, việc đo đạc, kiểm kê gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân đất trống, nhà vắng chủ không liên hệ được; tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến rất phức tạp, đặc biệt trong năm 2021 đã ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đền bù, hỗ trợ tái định cư, thi công dự án…
Bên cạnh đó, việc tập kết máy móc, vật tư đến công trường cũng gặp nhiều khó khăn do phải tuân thủ nghiêm các quy định, các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Một số loại vật tư phục vụ thi công thiết yếu như: cát, đá, sắt thép nguồn cung ứng thường xuyên bị gián đoạn, không liên tục do việc vận chuyển gặp khó khăn, nhất là vận chuyển vật tư từ nơi khác về Cần Thơ. Cùng đó, giá vật tư lại tăng lên khá cao so với giá trúng thầu (giá năm 2019) nên đã ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện dự án.
Ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, do công trình trải dài theo tuyến nên khối lượng thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án khá lớn và mất rất nhiều thời gian. Trên toàn tuyến có khoảng 236 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án; trong đó, có 41 hộ phải tái định cư.
Tuy nhiên, việc tái định cư cho các hộ dân cũng gặp nhiều khó khăn do chưa có nền để giao cho người dân, nhất là tại quận Ninh Kiều. Hiện khu tái định cư Ninh Kiều đang trong quá trình triển khai, dự kiến cuối năm 2022 mới hoàn thành.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè phát biểu tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan sau buổi kiểm tra công trình kè rạch Cái Sơn.Tại buổi làm việc của lãnh đạo UBND thành phố với các cơ quan, đơn vị sau buổi kiểm tra, đại diện Chi cục Thủy lợi kiến nghị thành phố tham mưu bộ, ngành Trung ương thống nhất chủ trương cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2022 để tiếp tục thi công, hoàn thành dự án theo đúng thiết kế; đồng thời thống nhất cho kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đã bố trí trong năm 2020 chưa giải ngân hết (gần 100 tỷ đồng vốn Trung ương) sang thực hiện và giải ngân trong năm 2022.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè thống nhất với đề xuất của chủ đầu tư, đồng thời yêu cầu Chi cục Thủy lợi phối hợp sở, ngành chức năng sớm hoàn thành thủ tục, nội dung kiến nghị để trình thường trực UBND thành phố và bộ, ngành chức năng xem xét, phê duyệt.
Ông Nguyễn Ngọc Hè cũng yêu cầu UBND quận Ninh Kiều tăng cường phối hợp sở, ngành chức năng hỗ trợ giải phóng mặt bằng, có hướng giải quyết kịp thời và đúng quy định cho các hộ dân có yêu cầu xét tái định cư. Chủ đầu tư công trình và UBND quận Ninh Kiều tăng cường giám sát, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án trong thời gian sớm nhất. Đơn vị thi công cũng cần tập trung phương tiện, nhân công để tranh thủ xây dựng công trình trong mùa khô, đặc biệt mặt bằng được giải phóng đến đâu thì triển khai xây dựng đến đó…