Động lực mới cho Hải Phòng đón sóng đầu tư

8 tháng trước 77
Chú thích ảnhÔng Ko Tae Yeon, Chủ tịch KOCHAM Hải Phòng tham luận về phát triển khu kinh tế ven biển phía Nam từ góc nhìn của doanh nghiệp FDI. 

Tại hội thảo, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho biết, việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng là rất cần thiết trong tiến trình tái cơ cấu lại nền kinh tế của Hải Phòng và cả nước. Điều này minh chứng qua việc hình thành và phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.

Khu kinh tế này thành lập từ năm 2008 với tổng diện tích 22.540 ha và hiện đã có 9 khu công nghiệp nằm trong đó. Hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, dịch vụ, đô thị, nhà ở xã hội phát triển đồng bộ đã đưa Đình Vũ - Cát Hải là khu kinh tế ven biển thành công nhất của cả nước. Khu kinh tế này có nhiều dự án trong lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo của các tập đoàn hàng đầu trong nước và thế giới với tổng vốn đầu tư của các doanh nghiệp đạt 32 tỷ USD.

Sự phát triển của Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa Hải Phòng và Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay, quỹ đất trong Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải không còn nhiều, tỉ lệ lấp đầy đã đạt 80%, việc giải phóng mặt bằng các khu vực còn lại gặp nhiều khó khăn do dân cư đông đúc, thiếu quỹ đất tái định cư... do đó, dư địa trong Khu kinh tế này không còn nhiều.

Ông Lê Trung Kiên khẳng định: Việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng là cơ sở để đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn đầu tư, đón các nhà đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn cũng như phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh, tuần hoàn. Việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng còn phát huy tối đa lợi thế, tiềm năng của thành phố Cảng như: kết nối với các khu kinh tế lân cận, tạo thành chuỗi khu kinh tế ven biển, khai thác hiệu quả định hướng phát triển đường cao tốc ven biển, Cảng Nam Đồ Sơn, Sân bay Tiên Lãng, tận dụng tốt dư địa của Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải.

Trong hội thảo, các đại biểu đều đồng tình, việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng là hết sức cần thiết. Ông Bruno Jaspaert, Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu Công nghiệp Deep C cho biết, việc thành lập Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng giúp Hải Phòng tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững.

Ông Ko Tae Yeon, Chủ tịch KOCHAM Hải Phòng cũng khẳng định, việc thành lập Khu kinh tế Nam Hải Phòng tiếp tục hứa hẹn là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc. Theo ông Ko Tae Yeon, hiện có 106 dự án của các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đầu tư tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư là hơn 10 tỷ USD. Các doanh nghiệp Hàn Quốc quan tâm đến đầu tư tại Hải Phòng và Việt Nam do môi trường chính trị ổn định, Chính phủ, thành phố quan tâm, ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI. Hải Phòng có vị trí thuận lợi, hạ tầng giao thông phát triển phục vụ doanh nghiệp FDI xuất, nhập khẩu.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, khu kinh tế này có diện tích 20.000 ha, ven theo đường cao tốc ven biển. Khu kinh tế này có nhiều lợi thế về vị trí địa lý, giao thông, cơ sở hạ tầng và dư địa phát triển. Các khu công nghiệp nằm trong khu kinh tế này gồm Tiên Lãng 1, Tiên Lãng 2, Tân Trào , Ngũ Phúc, sân bay Tiên Lãng, Trấn Dương. Lộ trình xây dựng Khu kinh tế phía Nam Hải Phòng bắt đầu từ năm 2024. Theo đó, năm 2024-2025 thành lập khu kinh tế. Từ năm 2026 đến năm 2030, các cơ quan liên quan lập, trình phê duyệt quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng các khu chức năng và sẽ thu hút các dự án thứ cấp.

Nguồn bài viết