Nhiều công trình thủy lợi hư hỏng cần nâng cấp

1 tháng trước 26
Chú thích ảnhChính quyền xã An Phú (huyện Mỹ Đức) huy động 10 máy bơm dã chiến bơm thoát nước liên tục khu vực thôn Đồng Chiêm sau bão số 3. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Để bảo đảm an toàn công trình, kịp thời vận hành phục vụ nông dân sản xuất, Sở đã đề xuất thành phố bố trí gần 124 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi bị hư hỏng do bão lũ gây ra. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều công trình thủy lợi đã hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng vẫn đang chờ được nâng cấp.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mỹ Đức vẫn còn nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp. Cụ thể, trạm bơm Tân Độ có nhiệm vụ lấy nước sông Đáy cấp nước tưới chủ động cho khoảng 1.554 ha sản xuất nông nghiệp của các xã Xuy Xá, Phùng Xá. Bên cạnh đó, trạm bơm này còn làm nhiệm vụ tạo nguồn nước tưới cho 1.278 ha trong trường hợp mực nước hệ thống liên hồ thủy lợi Quan Sơn - Vĩnh An - Tuy Lai suy kiệt. Tuy nhiên, nhiều hạng mục đang bị hư hỏng, xuống cấp như tường nhà máy, trần nhà quản lý bị rêu mốc, bong tróc lớp vữa, thấm dột; cửa sổ mục nát; kênh dẫn vào bể hút sụt sạt, xuất hiện mạch đùn.

Ông Đỗ Hải Hưng, phụ trách Trạm bơm Tân Độ cho biết, công trình xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước. Do động cơ già cỗi, công nghệ bơm lạc hậu, nên hiệu suất của trạm bơm hiện chỉ đạt khoảng 65% công suất thiết kế, cần sớm đầu tư nâng cấp để hoàn thành nhiệm vụ.

Tương tự, Trạm bơm Áng Thượng ở xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, sau trận lụt lịch sử do bão số 3 (Yagi) vừa qua đã xuất hiện mới nhiều vết rạn nứt trần và nền nhà máy, lún sụt nền nhà quản lý, bồi lắng bùn đất trên kênh dẫn từ sông Đáy vào bể hút.

Đặc biệt, sự cố nước chảy luồn qua gầm nhà máy Trạm bơm tưới tiêu Đốc Tín tiếp tục mở rộng, tạo dòng chảy lớn khi mực nước sông và đồng chênh cao. Cùng với đó, nhiều hạng mục công trình này đang bị xuống cấp nghiêm trọng như bể xả bị nứt nẻ, thủng đáy, tường bể bị sụt lún, nhà quản lý xập xệ... “Chúng tôi rất mừng khi thấy có nhiều đoàn về kiểm tra, khảo sát, nhưng đến nay, công nhân trực vận hành luôn nơm nớp nỗi lo trôi trạm bơm, sập đổ nhà quản lý, nhất là khi xuất hiện các trận mưa to, gió lớn” - ông Nguyễn Việt Tiến Anh, phụ trách quản lý Trạm bơm Đốc Tín chia sẻ.

Ngoài ra, nhiều đoạn kênh thuộc hệ thống các trạm bơm Áng Thượng, Tân Độ, Kim Bôi... cũng đã bị sụt sạt và thiếu cao trình bờ, nứt nẻ tường, bồi lắng bùn đất lòng dẫn. Đáng chú ý, hệ thống liên hồ chứa Quan Sơn - Vĩnh An - Tuy Lai đang mất dần công năng cắt lũ rừng ngang, trữ nước tưới do lòng hồ bị bồi lắng, người dân đắp bờ bao trong lòng hồ để nuôi cá, sản xuất gạch...

Không chỉ các công trình thủy lợi ở huyện Mỹ Đức hư hỏng xuống cấp nghiêm trọng mà kênh Đan Hoài cũng vậy, hàng trăm mét tuyến kênh này đã bị sụt sạt, thu hẹp lòng dẫn... Hiện nay, kênh này có nhiệm vụ dẫn nước từ Trạm bơm Đan Hoài và Trạm bơm Bá Giang để cấp nước tưới cho khoảng 4.600 ha sản xuất nông nghiệp của các huyện Đan Phượng, Hoài Đức và một phần của các quận Hà Đông, Bắc Từ Liêm. Ngoài ra, tuyến kênh này còn tiếp nước hỗ trợ vùng ven sông Đáy cho khoảng 3.700 ha đất canh tác của quận Hà Đông, phía Bắc huyện Thanh Oai và huyện Chương Mỹ...
 
Cùng đó, nhiều tuyến kênh lớn làm nhiệm vụ dẫn nước tưới, tiêu trên địa bàn các huyện Gia Lâm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên... cũng đã bị sụt sạt bờ, mái kênh, bồi lắng lòng dẫn. Nghiêm trọng nhất là tuyến kênh Trung Thủy Nông thuộc địa bàn xã Kim Lan, Văn Đức (huyện Gia Lâm). Có 5 vị trí mái kênh dài khoảng 150 m sạt gần kín lòng kênh, giảm năng lực tiêu úng cho hơn 2.350 ha sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lâm (Hà Nội) và huyện Văn Giang (Hưng Yên)... Không chỉ giảm công năng của công trình thủy lợi, các vị trí sụt sạt khoét sâu, tạo hàm ếch dưới bề mặt bê tông, đe dọa an toàn tính mạng người dân khi đi qua tuyến kênh này.

Ông Trương Anh Tuấn, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mỹ Đức cho biết, những năm qua, địa phương này và thành phố Hà Nội đã quan tâm đầu tư sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhiều công trình thủy lợi lớn như các trạm bơm An Mỹ, La Làng, Đức Môn... Tuy nhiên, do xây dựng từ lâu, khai thác vận hành trong nhiều năm và ảnh hưởng các trận bão lụt vừa qua nên tại Mỹ Đức còn nhiều công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp, nhất là các trạm bơm Tân Độ, Áng Thượng, Đốc Tín, Phù Lưu Tế 1, An Phú, Phú Hiền...

Chứng kiến công trình bị hư hỏng, xuống cấp, người dân và lãnh đạo các xã Đốc Tín, Vạn Kim, Lê Thanh, Xuy Xá, Hồng Sơn... rất mong các cấp, ngành quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi trên địa bàn. Bà Nguyễn Thị Nụ, ở xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) khẩn thiết đề nghị các cấp, ngành của thành phố Hà Nội sớm khắc phục sự cố tuyến kênh để đi lại an toàn và yên tâm đầu tư khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão lũ...

Hệ thống thủy lợi có vai trò đặc biệt quan trọng trong sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai. Vì vậy, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi là cần thiết, đảm bảo an toàn người và tài sản cho người dân sống xung quanh khu vực đó, nhất là khi thời tiết, thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường.

Nguồn bài viết