Với xuất phát điểm thấp, UBND huyện Cù Lao Dung đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trong xây dựng nông thôn mới. Đến đầu năm 2024, huyện đã có 7/7 xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới (1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) góp phần từng bước đưa diện mạo nông thôn và đời sống người dân nâng lên.
Sức sống mới vùng nông thôn
Xã An Thạnh Tây (huyện Cù Lao Dung) đạt nông thôn mới nâng cao vào năm 2023. Theo ông Phạm Trường Giang, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Tây, với đặc thù khí hậu đất đai thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, địa phương đã tập trung chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình sản xuất có liên kết tiêu thụ như: mô hình liên kết tiêu thụ khoai lang, trồng thanh nhãn, trồng nhãn xuồng, nhãn tím, bưởi da xanh… đem lại thu nhập cao cho người dân địa phương, góp phần giảm hộ nghèo của xã xuống dưới 1% dân số.
Ông Phạm Trường Giang cũng cho biết, nhờ sự quan tâm đầu tư của huyện và thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu như: hạ tầng giao thông nông thôn (đường bê tông nối ấp liền ấp), trạm y tế, giáo dục được đầu tư đạt chuẩn, các trường trên địa bàn đều đạt chuẩn mức độ 1..., góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương.
Ông Lê Văn Út Em (xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung) cho biết, năm 2002, huyện Cù Lao Dung được thành lập (chia tách từ huyện Long Phú), đời sống của người dân ở xã còn gặp nhiều khó khăn về giao thông, điện, trường học..., do tách biệt với đất liền. Sau hơn 13 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, học tập của người dân. Thu nhập của người dân xã An Thạnh Tây tăng gấp 2-3 lần so với những năm đầu xây dựng nông thôn mới, tình hình an ninh, trật tự xã hội đảm bảo ổn định, giúp người dân an tâm làm giàu trên quê hương mình sinh sống.
Ông Nguyễn Văn Nhiều (xã An Thạnh Tây, huyện Cù Lao Dung) bày tỏ phấn khởi khi diện mạo quê hương đổi mới, đặc biệt là khi có công trình Cầu Đại Ngãi đi qua hứa hẹn tương lai phát triển cho người dân xã An Thạnh Tây nói riêng và huyện Cù Lao Dung nói chung phát triển kinh tế. Ông Nhiều cho biết, Cầu Đại Ngãi sẽ nối liền Cù Lao Dung với huyện Long Phú (Cầu Đại Ngãi 1), chấm dứt tình trạng khó khăn trong đi lại của người dân xứ cù lao, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho người dân trong thời gian tới.
Không ngừng nâng chất
Xã đảo An Thạnh Nhất (huyện Cù Lao Dung) có 2.106 hộ với 7.393 nhân khẩu, diện tích đất tự nhiên trên 2.980 ha, trong đó diện tích vườn cây ăn trái 1.320 ha, thu nhập của người dân chủ yếu từ trồng cây ăn quả. Đầu năm 2024, xã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng.
Ông Lê Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã An Thạnh Nhất cho biết, UBND xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, vận động nhân dân cải tạo vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế. Xã đã phát triển được 68 mô hình trồng cây ăn trái; trong đó các mô hình cây ăn trái cho thu nhập cao như: xoài cát chu, nhãn xuồng, ổi... thu nhập bình quân đầu người của xã An Thạnh 1 năm 2023 là trên 75,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,35%.
Phát huy thành quả đạt được, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của xã tiếp tục nỗ lực để hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn mới, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới thông minh. Đồng thời, xã tập trung xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu sản xuất nông nghiệp tập trung, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế hợp tác, xây dựng hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp để cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân...
Huyện Cù Lao Dung có tổng diện tích tự nhiên 24.503,60 ha, có 16.903 hộ dân với 57.262 nhân khẩu, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 59,48%, kinh tế của huyện tăng trưởng theo hướng tích cực qua từng năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 62,39 triệu đồng (tăng 3,46 lần so năm 2010, thời điểm bắt đầu xây dựng nông thôn mới).
Ông Trần Văn Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Cù Lao Dung cho biết, hơn 13 năm triển khai, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt được nhiều kết quả nổi bật. Toàn huyện có 7/7 xã đảo đạt chuẩn nông thôn mới (1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu) góp phần từng bước đưa diện mạo nông thôn và đưa đời sống người dân nâng lên. Phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân đồng thuận cao, kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá, diện mạo nông thôn có sự chuyển biến tích cực. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới và mở rộng 226 tuyến đường nông thôn với tổng chiều dài 266,603 km, 99,13% hộ dân được sử dụng điện, 25/25 trường học đạt chuẩn mức độ 1, toàn huyện còn 53 hộ nghèo, chiếm 0,35% dân số.
Ông Trần Văn Nguyên khẳng định, xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Huyện đặt mục tiêu đến năm 2025 có 4/7 xã nông thôn mới nâng cao, 2/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, cơ bản đạt tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030, có 7/7 xã nông thôn mới nâng cao, 4/7 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 1 xã nông thôn mới thông minh.
Theo lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung, xây dựng nông thôn mới là việc làm thường xuyên, không có điểm kết thúc. Thời gian tới, huyện sẽ tập trung xây dựng vùng nông thôn có cảnh quan, môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, giữ gìn nét đặc trưng của vùng quê sông nước cù lao; xây dựng nông thôn mới gắn với thực hiện kế hoạch cơ cấu lại nông nghiệp, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, từng bước hiện đại.