Tích cực bảo vệ rừng
Rừng tràm Gáo Giồng (huyện Cao Lãnh) có tổng diện tích hơn 1.600 ha; trong đó có khoảng 1.200 ha rừng tràm. Nhiều năm qua, ông Đinh Văn Quân, Đội trưởng Đội Bảo vệ rừng chuyên trách (thuộc Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng) cùng các thành viên tích cực thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng. Ông Quân cho biết, Đội bảo vệ rừng chuyên trách thường xuyên đi tuần tra từng khu vực cả ngày đêm để ngăn chặn những đối tượng xâm nhập rừng trái phép bắt động vật hoang dã, thủy sản và phòng, chống cháy rừng. Cùng với đó, Đội tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân ở khu vực vành đai rừng nâng cao ý thức trong việc bảo vệ rừng, không khai thác trái phép tài nguyên rừng.
Ông Nguyễn Văn Chưa (trú ấp 6, xã Gáo Giồng, gần vùng đệm rừng tràm Gáo Giồng) cho hay, được Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng tích cực tuyên truyền, ông hiểu hơn về tầm quan trọng của rừng và cùng chung tay bảo vệ. Bởi vì giữ rừng là giữ bầu không khí trong lành, môi trường xanh, giữ nơi trú ngụ cho các loài động vật hoang dã. Ông đã vận động nhiều người dân địa phương cùng tham gia bảo vệ rừng; nâng cao tinh thần cảnh giác, động viên...
Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng Huỳnh Thanh Hiền cho biết, Ban Quản lý đã đẩy mạnh công tác vận động nhân dân ở khu vực vành đai rừng cùng chung tay bảo vệ rừng, tài nguyên rừng. Lực lượng chức năng thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tuần tra bảo vệ, phòng, chống người xâm nhập rừng trái phép… Nhờ đó, rừng tràm Gáo Giồng thu hút chim, cò về đây sinh sống; trong đó có một số loài quý hiếm như: cò ốc, cò quắm… Ngoài ra, nơi đây còn có nhiều loài chim di cư tìm đến.
Hiện, diện tích đất có rừng ở tỉnh Đồng Tháp là trên 6.000 ha; tập trung chủ yếu tại các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Tháp Mười và Cao Lãnh. Toàn tỉnh có 2.741,4 ha rừng đặc dụng; 1.025,92 ha rừng phòng hộ; 2.197,27 ha rừng sản xuất; 41,49 ha rừng trồng ngoài quy hoạch. Đến nay, tỷ lệ che phủ rừng ở Đồng Tháp đạt 1,67%. Rừng trên địa bàn tỉnh chủ yếu là rừng trồng thuần loại cây tràm trên đất ngập nước, đặc trưng của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, lực lượng kiểm lâm, địa phương và các ngành liên quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong việc tuần tra, kiểm soát, bảo vệ rừng; ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp. Cùng với đó, tỉnh quan tâm hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động cho lực lượng Kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; phát huy vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2023, trên địa bàn đã phát hiện và xử phạt 59 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (so với cùng kỳ năm 2022 giảm 75 vụ). Các hành vi vi phạm chủ yếu là: chăn thả gia súc vào rừng; mang công cụ, dụng cụ vào rừng trái quy định pháp luật. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện và xử phạt 2 vụ vi phạm hành chính về hành vi chăn thả gia súc trong rừng trái phép. Nhìn chung, công tác tuyên truyền về bảo vệ rừng đến các tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng dân cư sống ven rừng đã mang lại hiệu quả tích cực. Số vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp đã giảm qua các năm.
Thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp đánh giá, năm 2024, do tác động của biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, tình trạng nắng nóng diễn biến phức tạp, nhiệt cao hơn trung bình năm 2023 khoảng từ 2,5 - 3 độ C. Do đó, công tác phòng cháy, chữa cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn, nguy cơ cháy rừng rất cao. Mùa khô năm nay, các đơn vị chủ rừng đã chủ động thường xuyên tổ chức tuần tra, thực hiện phòng cháy, chữa cháy rừng theo kế hoạch; chủ động trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ chữa cháy rừng nhằm đảm bảo công tác chữa cháy triển khai kịp thời, hiệu quả khi xảy ra tình huống xấu.
Theo Trưởng Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng Huỳnh Thanh Hiền, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng tham gia phòng, chống cháy rừng; tích cực triển khai những biện pháp bảo vệ rừng trước “giặc lửa”. Lực lượng bảo vệ thường xuyên tuần tra, nhất là những khu vực có nguy cơ cháy cao, đưa máy bơm nước vào các chòi canh trong rừng để kịp thời ứng phó khi xảy ra cháy. Ban Quản lý duy trì thực hiện biện pháp hiệu quả trong việc bảo vệ rừng tràm mùa khô là tạo "đường băng trắng" và "đường băng xanh". Đối với khu vực khai thác tràm, đơn vị tiến hành dọn dẹp, vệ sinh tạo thành đường có chiều rộng 5 m, làm chết cỏ và xới lên một lớp đất nhằm ngăn cách giữa rừng tràm với đồng cỏ xung quanh, tạo "đường băng trắng" để khó lây lan khi cháy. Để tạo "đường băng xanh", đơn vị đã trồng cây bạch đàn, tràm bông vàng và tre trên các tuyến đê bao, tuyến kênh xung quanh, tạo vành đai xanh.
Rừng phòng hộ môi sinh Bắc Tháp Mười (huyện Tháp Mười) có diện tích trên 1.100 ha, chủ yếu là rừng tràm. Thời tiết nắng nóng cùng với việc người dân có thể tự do vào rừng phòng hộ để khai thác tràm cũng như tài nguyên rừng nên nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Trước tình hình này, Hạt Kiểm lâm liên huyện Tháp Mười - Cao Lãnh (thuộc Chi Cục kiểm lâm tỉnh Đồng Tháp) phân công lực lượng trực 24/24 giờ tại trạm chốt, đài quan sát; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát những khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao; nhắc nhở và cho các hộ vào rừng khai thác tràm ký cam kết phòng cháy, thu dọn vỏ, nhánh tràm sau khi đã khai thác. Cùng với đó, Hạt Kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện, dụng cụ, thiết bị chữa cháy.
Báo cáo của UBND tỉnh Đồng Tháp cho thấy, nhờ chủ động thực hiện tốt phương châm “Bốn tại chỗ” (gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ), các vụ cháy được phát hiện và cắt “đường băng” kịp thời, dập tắt nhanh, không để cháy lan sang khu vực khác. Năm 2023, Đồng Tháp xảy ra 3 vụ cháy rừng với tổng diện tích 23,13 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn xảy ra 7 vụ cháy rừng, tổng diện tích hơn 14,6 ha. Nguyên nhân cháy chủ yếu là do người dân xâm nhập vào rừng trái phép, sử dụng lửa bất cẩn như hút thuốc trong rừng, dùng lửa bắt ong…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, nhờ thực hiện tốt công tác tự kiểm tra tại đơn vị và sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân sự và chủ rừng trong tuần tra, kiểm soát, trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ kể cả ngày nghỉ và lễ, Tết nên các vụ cháy đều được phát hiện sớm và triển khai lực lượng chữa cháy kịp thời. Nhờ đó, mức độ thiệt hại thấp. Ngoài ra, tỉnh luôn chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định pháp luật về bảo vệ rừng, bảo tồn động vật hoang dã, phòng cháy, chữa cháy rừng. Một số vụ cháy rừng do người dân phát hiện, báo cháy và tích cực tham gia chữa cháy khi được huy động.