Mực nước tại các trạm trên địa bàn tỉnh lên mức xấp xỉ báo động III và trên báo động III từ 0,18 - 0,63 m, sau đó biến đổi chậm và xuống dần. Mức độ rủi ro thiên tai do triều cường ở cấp độ II. Độ sâu ngập lụt tại khu vực đất tự nhiên (không có đê bao) khoảng từ 1,2 - 1,5 m. Dự báo trường hợp diễn biến thời tiết có mưa to trong những ngày tới tại khu vực các huyện phía Nam, sẽ gây nguy hiểm các vùng đê bao cây ăn trái, gây ngập úng các vùng không có đê bao, vùng đê bao thấp, vùng đô thị.
Ông Huỳnh Minh Đường, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp cho biết, các huyện: Lai Vung, Thanh Bình, Hồng Ngự, Tân Hồng, Tháp Mười, Tam Nông đã chủ động phòng, chống lũ và triều cường các công trình thủy lợi, ô bao, bờ bao. Các công trình này đã xây dựng đảm bảo an toàn theo tiêu chuẩn bờ bao bảo vệ sản xuất kết hợp bảo vệ tài sản, hạ tầng, chống chịu tốt với triều cường, lũ lụt.
Để ứng phó với lũ và triều cường, một số địa phương cần gia cố đê bao. Tại thị trấn Sa Rài, huyện Tân Hồng, hiện các đoạn đê xung yếu cần bảo vệ như Tuyến 1 dọc đường Hùng Vương có cao trình đỉnh đê hiện tại là +6m, thấp hơn các tuyến còn lại 1,1m, khi lũ lên cao thường bị tràn cục bộ tại vị trí phía dưới gầm cầu Đúc. Tuyến 2 có nguy cơ gây sạt lở đang được bảo vệ. Huyện Châu Thành có 5 vị trí xung yếu, tổng chiều dài 1.141m ở các xã: An Nhơn, An Khánh, An Hiệp và Tân Nhuận Đông. Các tuyến ô bao, bờ bao này đã xảy ra sạt lở, sụp lún và nguy cơ sạt lở tiếp. Trường hợp, mực nước đỉnh lũ tại trạm Cái Tàu Hạ vượt mức báo động III khoảng 1 mét có nguy cơ bị vỡ bờ bao lớn, trong đó nguy cơ nhất tại vị trí tuyến sông Sa Đéc, xã An Hiệp tiểu vùng số 9 với 45 ha và tuyến Rạch Nha Mân - Tư Tải, xã An Nhơn tiểu vùng số 5 với khoảng 60 ha, đang được khẩn trương gia cố.
Trên địa bàn thành phố Hồng Ngự, nguy cơ sạt lở do triều cường, nước lũ tại một số khu vực như khu vực đoạn đường bờ Tây kênh 2/9 thuộc phường An Lộc; tại khu ô bao bờ bắc Mương Lớn với chiều dài khoảng 3.250 mét thuộc phường An Bình A, những năm trước đã xảy ra sạt lở do triều cường, lũ lụt nhưng được người dân gia cố khắc phục. Hiện tại, khu ô bao này vẫn có nguy cơ sạt lở do triều cường, lũ gây ra.
Vườn táo đang cho trái của ông Út Nhàn tại xã Tân Nghĩa (huyện Cao Lãnh) bị ngập nước.Tại thành phố Cao Lãnh, 12/62 ô bao, bờ bao bị ngập theo thuỷ triều, sâu khoảng 0,3 m chủ yếu ở 7 xã; các đoạn bị ngập nằm cặp sông Tiền và sông Hổ Cứ. Tuy nhiên, các đoạn xung yếu đã được đầu tư gia cố nên sẽ không gây thiệt hại.
Thành phố Sa Đéc đang khẩn trương triển khai biện pháp gia cố các đoạn xung yếu có nguy cơ bị ngập tràn. Đây là địa phương phương có diện tích gieo trồng hoa, cây kiểng lớn, thường xuyên bị ảnh hưởng do lũ, triều cường.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Ứng phó Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đồng Tháp, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện các biện pháp chủ động theo phương châm 4 tại chỗ; chuẩn bị vật tư, phương tiện, huy động lực lượng xung kích sẵn sang ứng phó lũ và triều cường… . Các địa phương thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra xác định các vị trí bờ bao, đê bao xung yếu; tăng cường tuần tra, canh gác, sẵn sàng phương án ứng phó với các tình huống bất thường có thể xảy ra.
Ông Huỳnh Minh Đường cho biết, để chủ động ứng phó với lũ kết hợp triều cường và sạt lở bờ sông, Ban Chỉ huy Ứng phó với Biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông; Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp theo dõi sát diễn biến tình hình mưa, lũ và triều cường, nguy cơ ngập lụt, sạt lở hằng ngày. Đồng thời, kịp thời cập nhật và thông tin đầy đủ các bản tin dự báo, cảnh báo về tình hình mưa, lũ, triều cường để các cơ quan, đơn vị, nhân dân biết và chủ động, phòng tránh, ứng phó.