Sẵn sàng cho ngày bầu cử
Ông Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử ở các địa phương trong tỉnh được triển khai tập trung, khẩn trương, gấp rút và đảm bảo tiến độ, yêu cầu để ngày bầu cử diễn ra thành công tốt đẹp.
Cùng với đó, Ủy ban Bầu cử tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban Bầu cử cấp huyện, xã và tất cả các Tổ bầu cử thực hiện rà soát lại những nội dung liên quan như: Niêm yết danh sách cử tri, chuẩn bị hòm phiếu, phiếu bầu… đặc biệt là các phương án bỏ phiếu trong tình huống liên quan đến dịch COVID-19 và tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung bảo đảm thông tin thông suốt, kịp thời, chính xác; kiên quyết không để các thế lực thù địch, phản động lôi kéo quần chúng, phá hoại… đảm bảo tổ chức thành công cuộc bầu cử.
Ông Nguyễn Thanh Tú khẳng định, đến thời điểm này, mọi công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đều khá chu đáo, chặt chẽ, đảm bảo các điều kiện để cuộc bầu cử thành công tốt đẹp.
Cử tri đặt nhiều kỳ vọng
Cùng với cử tri cả nước, cử tri Đồng Nai kỳ vọng cuộc bầu cử lần này sẽ lựa chọn được những đại biểu xứng đáng, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
Cử tri Trần Thanh Tú, 58 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết, trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp lần này, cá nhân ông may mắn được 3 lần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Do đó, ông được nghe rất nhiều chương trình hành động của các ứng cử viên. Trong chương trình hành động, các ứng cử viên đã nêu lên rất nhiều nội dung, giải pháp sẽ thực hiện trong nhiệm kỳ tới nếu được tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
"Hầu hết các ứng viên đều khẳng định, nếu trúng cử sẽ nỗ lực phấn đấu thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu nhân dân; hoạt động luôn sâu sát, gần dân, trọng dân, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri… Những lời hứa của các đại biểu rất hay, nhưng điều cử tri chúng tôi mong muốn, kỳ vọng nhất đó là các ứng cử viên sau khi trúng cử hãy nhớ và thực hiện lời đã hứa, nói đi đôi với làm để trở thành người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của dân", ông Trần Thanh Tú bày tỏ mong mỏi.
Là một cử tri trẻ tuổi, lần đầu tiên được thực hiện quyền bầu cử của mình, anh Phan Hoàng Huy, 22 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc, Đồng Nai cho biết, trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp lần này, bản thân anh mong muốn các đại biểu sau khi trúng cử sẽ thực hiện đúng chương trình hành động của mình. Mong các đại biểu thường xuyên tiếp xúc với dân, tích cực nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của nhân dân để từ đó thấy được những điều bất cập trong cuộc sống, có trách nhiệm tham gia điều chỉnh, sửa đổi chính sách pháp luật, làm cho nó phù hợp với tình hình thực tế và đời sống nhân dân.
Đảm bảo quyền bầu cử của cử tri trong khu cách ly, phong tỏa
Ông Nguyễn Thanh Tú, Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Đồng Nai cho biết, nhằm đảm bảo quyền được tham gia bầu cử của công dân, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng, sẵn sàng ứng phó với tình huống xảy ra liên quan đến dịch COVID-19, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều phương án để tổ chức bầu cử trong khu vực dân cư bị phong tỏa và các khu cách ly tập trung.
Theo ông Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai hiện có 18 khu cách ly tập trung và một khu vực dân cư bị phong tỏa do dịch COVID-19. Tại những điểm này, trước ngày diễn ra bầu cử, lực lượng chức năng dựng một nhà bạt được bố trí đầy đủ các điều kiện như một điểm bỏ phiếu thông thường; chuẩn bị thêm 3 bộ trang phục bảo hộ cho 3 người trong Tổ bầu cử.
Các Tổ bầu cử sẽ phối hợp với ban điều hành khu cách ly, khu vực dân cư bị phong tỏa lập danh sách cử tri, tuyên truyền lưu động bằng loa, phát danh sách người ứng cử, tài liệu liên quan về bầu cử đến các phòng cách ly, nhà các hộ dân đang bị phong tỏa để cử tri nghiên cứu.
Trong ngày diễn ra bầu cử, các cán bộ Tổ bầu cử phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, găng tay. Mỗi cử tri phải được đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay trước và sau khi thực hiện các thủ tục, bỏ phiếu vào hòm phiếu. Bút viết sau khi mỗi cử tri sử dụng phải phun cồn khử khuẩn. Tổ bầu cử phải sử dụng hòm phiếu phụ riêng, phun khử khuẩn sau khi cử tri bỏ phiếu xong và kết thúc bầu cử.
Bên cạnh đó, ngoài bầu cử tại điểm chính, cán bộ Tổ bầu cử sử dụng hòm phiếu phụ di chuyển đến từng phòng cách ly, từng hộ gia đình trong khu vực phong tỏa để thực hiện bầu cử. Tổ bầu cử không đi vào nhà dân, phòng cách ly mà cử tri đợi sẵn ở cửa hoặc cổng nhà để bỏ phiếu khi Tổ bầu cử mang thùng phiếu đi qua. Trường hợp cử tri bị bệnh, nằm tại giường, bắt buộc cán bộ Tổ bầu cử phải vào nhà, phòng cách ly thì cần hạn chế tiếp xúc bề mặt trong nhà, phòng. Sau khi cử tri bỏ phiếu xong phải khử khuẩn hòm phiếu, phương tiện di chuyển trước khi di chuyển sang gia đình khác. Sau khi kết thúc việc bỏ phiếu, thùng phiếu phụ được chuyển đến nhà bạt, thực hiện khử trùng để đảm bảo an toàn.