Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được cải thiện, cơ cấu ngành nông nghiệp đã phát huy được hiệu quả, kinh tế nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân. Bởi vậy, "những miền quê đáng sống" đã trở thành tên gọi thân thuộc ở nhiều làng, xã ở địa phương này.
Năm 2021, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đây là xã đầu tiên của huyện Khoái Châu và là một trong 6 xã đầu tiên của tỉnh Hưng Yên đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Ông Đỗ Xuân Huấn, Chủ tịch UBND xã Tân Dân cho biết, ngay sau khi đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2019, xã Tân Dân quyết tâm tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí phấn đấu xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, từ năm 2011 đến nay, xã đã huy động hơn trên 250 tỷ đồng để thực hiện chương trình; trong đó, nhân dân đóng góp hơn là 100 tỷ đồng, hơn 5.000m2 đất, hơn 25.000 ngày công tham gia xây dựng các công trình…
Những năm qua, công tác phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân được xã đặc biệt quan tâm. Trong sản xuất nông nghiệp, địa phương thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2022 đạt 265 triệu đồng.
Theo ông Đỗ Xuân Huấn, bên cạnh phát triển nông nghiệp, xã cũng tạo điều kiện, khuyến khích các hộ, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua đó, nâng tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế lên 85,8%. Đến nay, xã Tân Dân đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các tiêu chí của xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình như thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2022 đạt 93,5 triệu đồng; 3/3 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 97%; tỷ lệ chất thải rắn phát sinh trên địa bàn xã được thu gom đạt 100%; 7/7 khu dân cư lắp đặt 133 camera an ninh…
Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Hưng Yên Bùi Thế Cử (bên phải) tặng hoa chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tân Dân, huyện Khoái Châu. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVNCuối tháng 10 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn đã ký Quyết định số 2221/QĐ-UBND công nhận 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và Quyết định số 2222/QĐ-UBND công nhận 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đợt 1, năm 2023.
Theo đó, các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm: xã Xuân Dục (thị xã Mỹ Hào); các xã Đông Tảo, Thành Công và Dạ Trạch (huyện Khoái Châu); xã Toàn Thắng, Vĩnh Xá (huyện Kim Động); xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ); các xã Đức Thắng, Minh Phượng, Trung Dũng (huyện Tiên Lữ).
Hai xã Phạm Ngũ Lão (huyện Kim Động) và xã Hải Triều (huyện Tiên Lữ) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về An ninh trật tự; xã Hiệp Cường (huyện Kim Động) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về giáo dục. Đến nay, tỉnh Hưng Yên có 93 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên Lê Trung Cần khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân. Hưng Yên là tỉnh thứ ba của cả nước về đích Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết quả này là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong tỉnh.
Sau khi về đích xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay toàn tỉnh đã có trên 2.500 km đường đã được xây mới và nâng cấp; hơn 250 đường cây, đường hoa; gần 700 nhà văn hóa được xây dựng tại các thôn. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn được nâng cao, từ mức 29 triệu đồng/người/năm năm 2011 đến nay đạt khoảng 65 triệu đồng/người/năm.
Hưng Yên đặt mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 195 khu dân cư kiểu mẫu, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Lãnh đạo huyện Khoái Châu tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong xây dựng Nông thôn mới ở xã Tân Dân. Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVNÔng Lê Trung Cần cho rằng, xác định xây dựng nông thôn mới "chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc", Hưng Yên đang tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động rà soát văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung tiêu chí đảm đúng quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.
Tỉnh Hưng Yên yêu các huyện, thị xã và thành phố tiếp tục huy động nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, ưu tiên công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp để mỗi làng, xã đều là một miền quê đáng sống.