Đến Tà Xùa thưởng trà giữa mây bay

1 năm trước 73
Chú thích ảnhMột góc điểm du lịch Tà Xùa, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường/TXVN

Là điểm nằm ở giáp ranh giữa hai tỉnh Yên Bái và Sơn La, cách Hà Nội chừng 200 km, khoảng 4 tiếng đi bằng ô tô sẽ đến thị trấn Bắc Yên. Từ đây men theo tỉnh lộ 112, trải qua 14 cây số với những con dốc cao và nhiều khúc cua tay áo khá nguy hiểm là đến xã vùng cao Tà Xùa.

Đường đến “thiên đường” bắt đầu với những thử thách không chiều lòng người như thế, để khi dừng chân, du khách chỉ biết reo lên bởi sự xứng đáng với khung cảnh thần tiên lộ hiện dần trước mặt.

Trong tầm nhìn từ con đường men theo sườn núi, các phượt thủ sẽ thấy những đỉnh núi nhấp nhô đan xen trong mây trắng bồng bềnh.

Với địa hình núi chồng núi, các thung lũng ở giữa mỗi trái núi được khoanh lại, bao bọc bởi những dải mây mù cuồn cuộn, bay tầng tầng lớp lớp tựa như sóng đại dương vỗ vào dãy núi bốn bề nên gọi là biển mây.

Chia sẻ từ những người dân bản địa nơi đây, Tà Xùa sở hữu các đỉnh núi cao khoảng 1.600 – 1.800m, đỉnh cao nhất gần 3.000 mét, mây phủ quanh năm nhưng mây lên đẹp và dày nhất là từ tháng 9 đến khoảng đầu tháng 3 năm sau.

Với địa hình đắc địa không đâu có, biển mây ở đây biến ảo với những quãng thời gian khác nhau trong ngày và tuỳ thuộc tình hình thời tiết. Nếu bắt gặp những tầng mây dày trong nắng sớm du khách sẽ thấy mình như lạc vào chốn bồng lai.

Sau những cơn mưa, du khách lại được chứng kiến mây bay lên trên nền trời trong vắt. Giữa sắc trắng của mây ngàn chứa chan trong sắc xanh của rừng, sắc đỏ rực rỡ của trang phục cô gái Mông thấp thoáng giữa làn sương khói ấy hoạ thành bức tranh tuyệt mỹ. Tất cả chỉ có thể ồ lên thừa nhận, nét vẽ của tạo hoá là hài hoà nhất.

Thế nhưng Tà Xùa không chỉ có mây nếu biết rằng, Tà Xùa (còn gọi là Tà Sùa) theo tiếng Mông có nghĩa là “sân phơi thuốc”. Dù giờ đây ít người nhắc đến câu chuyện đằng sau cái tên chở ý nghĩa đủ nhất của vùng đất này.

Không ai biết khi nghĩ ra cái tên này, tổ tiên của người Mông ở đây đã biết về sự hiện diện của cây chè shan tuyết – loài thuốc quý mà tạo hoá kín đáo ban tặng.

Những cây chè hàng trăm, hàng nghìn năm tuổi tồn tại mặc gió mưa, thăng trầm của tạo hoá đã chứng minh sự hiện hữu quý giá.

Và hành trình đến đây, nếu chỉ săn mây, ngắm sống lưng Khủng Long oai hùng, chèo Mỏm đá cá heo, chụp ảnh với cây cô đơn, dù rất đã đấy nhưng vẫn chưa rõ… Tà Xùa.

Tà Xùa là một trong ba thiên đường mây ở Tây Bắc bên cạnh đỉnh Lảo Thần (ở Yên Bái) và Bạch Mộc Lương Tử (ở Lào Cai). Nhưng theo trải nghiệm của nhiều phượt thủ, chỉ một góc của Tà Xùa “chấp” hết vẻ đẹp của những nơi kia cộng lại.

Đặc biệt, nếu được chứng kiến khoảnh khắc mây mù tan ra, đứng một bậc trên biển mây ngút ngàn trải dài trong tầm mắt, mọi thứ dần tỏ dưới ánh mặt trời, quả thực du khách sẽ trải qua cảm giác như đang ở thiên đường.

Trong lòng thung lũng Tà Xùa, những cây chè shan tuyết nhiều trăm năm tuổi được nuôi dưỡng bằng tinh khí đất trời, được phủ ẩm quanh năm bởi mây và thảm thực vật vô cùng phong phú.

Thổ nhưỡng đặc trưng ấy tạo ra một vùng nguyên liệu trà đáng quý nên nhiều người đến Tà Xùa không chỉ để săn mây mà còn săn trà.

Và trong hành trình khám phá Tà Xùa, nếu được nhấp một tách trà pha đúng kiểu để cảm nhận được vị gió thoảng, mây bay sau một hành trình chinh phục sống lưng Khủng Long kỳ ảo, du khách sẽ thấy mình thực sự được trộn lẫn trong thiên nhiên với tất cả các giác quan. Bởi vậy, nhiều người cho rằng, nếu đến Tà Xùa, chưa uống trà shan tuyết thì mới đi được một nửa chặng đường.

Ngoài ra, đến Tà Xùa còn có trải nghiệm hái chè cùng các cô gái người Mông trong những cánh rừng chè cổ thụ bạt ngàn ở Bản Bẹ lại là một cảm giác khó quên khác.

Chỉ khi đứng dưới những gốc chè vài trăm năm tuổi, nhìn những cô gái Mông thoăn thoắt leo lên những cành chè cao nhẹ nhàng như nai, như sóc người lữ khách mới hiểu vì sao, một việc dễ dàng với người này lại khó khăn với người kia đến vậy. Bởi ai cũng có thể leo lên cây chè, nhưng rất hiếm người dám trèo ra các cành cây để hái những búp chè non. 

Đặc biệt, một búp chè non ấy cần được nuôi dưỡng trên thân cây gần 100 ngày mới được ngắt xuống làm trà. Qua đó giúp hiểu hơn về thời gian và sức lao động kỳ lạ phải bỏ ra để mang về một búp chè “1 tôm hai lá” trong những gói trà nho nhỏ bày bán nơi thành phố.

Đã có rất nhiều tài liệu viết về Tà Xùa, nhưng hẳn rằng chưa có ai kể cho du khách về những cây chè shan tuyết cổ.

Nếu ai đó muốn nghe câu chuyện về những cây chè cổ thụ mà người xưa định danh là loại thuốc quý thì hãy ghé đến Trà Mây, thưởng trà.

Những người yêu nhất Tà Xùa đều ở đấy sẽ pha cho bạn những tách trà ngon và bắt đầu câu chuyện về những cánh rừng trà cũng như vì sao trà nơi đây quý.

Bởi những gì diễn ra ở không gian Trà Mây trên đỉnh núi Tà Xùa ấy hình như chưa từng có ở đâu trên dải đất hình chữ S này.

Nguồn bài viết