Đắk Lắk đáp ứng nhu cầu hàng hóa trong thời gian chống dịch

3 năm trước 272
Chú thích ảnhCung ứng hàng hóa tại Siêu thị Co.opMart Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: baodaklak.vn

Tỉnh Đắk Lắk không lo khan hiếm lương thực và người dân không nên đổ xô đi mua hàng tích trữ.

Theo ông Lưu Văn Khôi, qua theo dõi và nắm bắt tình hình từ hệ thống phân phối như chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ cho thấy nguồn cung hàng hóa trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cơ bản ổn định, đáp ứng nhu cầu cho người dân trong thời gian dài chống dịch. Ngoài việc xác định các mặt hàng thiết yếu để có kế hoạch dự trữ, Sở đã rà soát nắm tình hình nguồn hàng tại chỗ, nguồn hàng cung ứng từ địa phương khác.

Đồng thời, Sở cũng làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối về kế hoạch dự trữ, khai thác nguồn hàng. Ngành công thương Đắk Lắk cũng đã chuẩn bị sẵn sàng phương án điều tiết, khơi thông hàng hóa trong tình huống xấu nhất bảo đảm cho người dân mua sắm, không lo thiếu hụt hàng hóa; lên kịch bản, phương án cung ứng hàng hóa nếu chợ bị phong tỏa do dịch.

Ông Lưu Văn Khôi cũng nhấn mạnh, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh) đã xây dựng kế hoạch chống đầu cơ, tăng giá; thường xuyên rà soát, kiểm tra và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi; công bố đường dây nóng 0918.647.247 tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân để kịp thời xử lý. Do đó, người dân không nên lo lắng, đổ xô đi mua hàng tích trữ, dễ gây ra thiếu hàng cục bộ, có lợi cho gian thương. Ngoài ra, trong bối cảnh dịch, người dân không nên tập trung đông người để mua sắm mà có thể sử dụng các hình thức mua sắm trực tuyến.

Theo ghi nhận của phóng viên, sau khi tỉnh Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ 11 dương tính với virus SARS-CoV-2 vào tối ngày 17/7 và thành phố Buôn Ma Thuột thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ từ 6 giờ ngày 18/7, người dân ở thành phố Buôn Ma Thuột đã đổ xô đi chợ, cửa hàng bán lẻ, siêu thị để tích trữ hàng hóa. Một số mặt hàng thiết yếu như: gạo, mì tôm, bún phở khô các loại, rau củ quả, trứng vịt/gà, thịt tươi sống, gia vị… lượng mua tăng đột biến. Tại một số chợ, các mặt hàng như rau, củ, quả, trứng vịt/gà… giá tăng hơn so với thời điểm trước ngày 18/7.  

Lý giải về tình trạng người dân đổ xô đi tích trữ hàng hóa, Phó Chủ tịch UBND thành phố Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca mắc mới tăng nhanh, thành phố đột ngột áp dụng Chỉ thị 15 khiến tâm lý của người dân hoang mang. Thành phố Buôn Ma Thuột đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng thực phẩm và nhu cầu thiết yếu cho người dân. Đối với nguồn cung hàng hóa, qua nắm tình hình với các siêu thị và các cơ sở cung ứng thực phẩm, đặc biệt về rau, củ, quả thì thành phố Buôn Ma Thuột không thiếu, đảm bảo cho người dân mua sắm trong thời gian giãn cách. Đối với các hoạt động đầu cơ, tích trữ hàng hóa, UBND thành phố Buôn Ma Thuột sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Theo bà Trần Thị Thành Nhân, Phó Giám đốc siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột, để đáp ứng nhu cầu mua hàng của người dân, đơn vị đã có kế hoạch dự trữ sẵn các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và hàng đông lạnh từ trước đó. Riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống như: thịt, cá, trứng, rau, củ, quả các loại… đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp có kế hoạch dự trữ tăng thêm lượng hàng để đảm bảo cung ứng kịp thời cho siêu thị khi sức mua tăng cao. Đối với các mặt hàng thiết yếu như trứng gà, mì tôm… để bình ổn thị trường và ưu tiên người tiêu dùng mua trực tiếp, tránh đầu cơ thu gom số lượng lớn, đơn vị đã giới hạn mỗi khách hàng được mua tối đa 2 thùng mì tôm và 2 vỉ trứng/ngày.

Đơn vị đảm bảo đủ nguồn cung và không tăng giá để bình ổn thị trường trong thời gian thành phố Buôn Ma Thuột giãn cách xã hội.

Nguồn bài viết