Triển khai các giải pháp đảm bảo nguồn nước trong mùa khô năm 2025

1 ngày trước 3
Chú thích ảnhHồ Ba Bàu, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận đã dừng cấp nước sản xuất từ ngày 2/4/2024, lượng nước ít ỏi còn lại dùng cung cấp cho sinh hoạt. 

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị liên quan thực hiện kiểm kê cụ thể nguồn nước trước các vụ sản xuất và thường xuyên cập nhật, tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô trên cơ sở kế hoạch phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và chủ động điều chỉnh phù hợp khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm…) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2025.

Các đơn vị tăng cường nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao.

Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận yêu cầu các đơn vị, địa phương khoanh vùng khu vực có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình cấp nước nông thôn tập trung; chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch ứng phó, thông tin đến người dân kế hoạch cấp nước để chủ động trữ nước đảm bảo sinh hoạt. Chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cấp xã tổ chức tuyên truyền, vận động và hướng dẫn người dân khu vực chưa được cấp nước tập trung chủ động thu, trữ nước sớm, xử lý nước đảm bảo an toàn cho sinh hoạt.

Các đơn vị tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung, đặc biệt là công trình cấp nước, ngăn mặn; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi.

Trong năm 2024, do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao, mực nước ngầm hạ thấp, lượng dòng chảy trên các sông, suối tự nhiên bị cạn kiệt đã gây ra tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt cục bộ tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, mùa khô năm 2024 toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn bị thiếu nước sinh hoạt cục bộ, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của gần 76.000 người.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, toàn tỉnh hiện có 78 hệ thống công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng với tổng năng lực tưới thiết kế 70.300 ha, tổng dung tích trữ 324 triệu m3. Những công trình thủy lợi đã góp phần quyết định vào việc phát triển nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã chủ động tưới trên 50% diện tích đất canh tác cần tưới hàng năm; xấp xỉ 75% diện tích đất lúa theo quy hoạch; cung cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đang gấp rút hoàn thành các thủ tục để triển khai Dự án Hồ chứa nước Ka Pét tại huyện Hàm Thuận Nam, nhằm chống hạn cho khu vực phía Nam của tỉnh. Dự án Hồ chứa nước Ka Pét được Quốc hội quyết định điều chỉnh, bổ sung chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 101/2023 với dung tích toàn bộ là 51,21 triệu m3. Diện tích đất sử dụng của dự án là 697,73 ha với tổng mức đầu tư hơn 874 tỷ đồng.

Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, hồ Ka Pét có ý nghĩa rất lớn với tỉnh bởi có thể cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; cấp nước thô khoảng 2,63 triệu m3/năm cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt của khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và thành phố Phan Thiết.

Nguồn bài viết