Đắk Lắk: Người nông dân phấn khởi vì giá gỗ keo nguyên liệu tăng cao

2 năm trước 180
Chú thích ảnhNgười dân vùng sâu xã Ea Trang, huyện M’Đrắk bóc vỏ keo sau khi thu hoạch. 

Huyện vùng xa M’Đrắk là một trong những địa phương có diện tích rừng trồng sản xuất cây keo lớn nhất của tỉnh Đắk Lắk với trên 23.400 ha. Hiện giá gỗ keo nguyên liệu được thu mua cao nhất là 1,4 – 1,5 triệu đồng/tấn (giá gỗ keo nguyên liệu năm 2021 từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/tấn). Đây là mức giá thu mua cao nhất từ trước đến nay và đem lại thu nhập tốt hơn cho các hộ dân trồng keo.

Những ngày này trên các ngọn đồi của Cao nguyên M’Đrắk (Đắk Lắk), đông đảo người dân cùng nhiều máy móc, xe vận chuyển đang tổ chức thu hoạch cây keo, từ người trồng keo đến người làm công đều rạng rỡ vui mừng khi giá gỗ keo nguyên liệu đang ở mức cao và thu nhập khá hơn so với các năm trước. Từ trồng keo nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm được hướng đi mới trong phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Thu hoạch keo đúng vào thời điểm giá gỗ nguyên liệu tăng cao, ông Y Tun Byă, trú xã Ea Trang, huyện M’Đrắk vui mừng cho biết, trước đây, người dân chủ yếu trồng ngô, sắn…, hiệu quả kinh tế thấp, đời sống rất khó khăn. Từ những năm 2010, được sự hỗ trợ, hướng dẫn của nhà nước, gia đình chuyển đổi cây trồng và liên kết với công ty lâm nghiệp để trồng cây keo. Đến nay, cây keo đã chứng minh được hiệu quả kinh tế so với các loại cây trồng trước đó và đem lại thu nhập ổn định cho đồng bào các dân tộc của huyện vùng sâu M’Đrắk.

“Gia đình tôi hiện trồng 10 ha keo liên kết với Công ty tránh nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp M’Đrắk, từ đầu năm 2022 đến nay, giá keo tăng so với các giai đoạn trước nên  các dân tộc rất phấn khởi. Hiện gia đình tôi đang thu hoạch 3 ha keo lai với năng suất đạt khoảng 120 tấn/1ha và lợi nhuận thu về khoảng 50 - 60%. Ngoài ra, trong quá trình thu hoạch keo cần nhiều nhân công nên bà con trong các buôn làng cũng có thêm công ăn việc làm để cải thiện đời sống khiến ai nấy đều vui mừng”. Ông Y Tun Byă chia sẻ.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ea Trang, ông Y’ Ngoanh Mlo cho biết, trên địa bàn xã hiện có 7.000 ha rừng trồng là cây keo, trong đó có 5.500 ha người dân liên kết với các công ty lâm nghiệp. Toàn xã có 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và chủ yếu trồng keo, do đó bà con rất phấn khởi khi giá gỗ nguyên liệu tăng cao như hiện nay. Thực tế những năm qua cho thấy, rừng trồng sản xuất cây keo đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, trở thành cây trồng chủ lực của địa phương và góp phần ổn định đời sống của bà con nhân dân.

“Đại đa số người dân cũng rất ý thức trong canh tác rừng trồng sản xuất khi chủ động thực hiện thu hoạch đảm bảo độ tuổi của keo và tái trồng rừng ngay sau khi thu hoạch để trách tình trạng bỏ đất trống, đồi núi trọc và tăng hiệu quả kinh tế trên diện tích cây trồng”, ông Y’ Ngoanh Mlo cho hay.

Theo ông Phan Văn Châu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên lâm nghiệp M’Đrắk, cây keo rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của huyện M’Đrắk, hiện nay giá gỗ keo nguyên liệu đang đạt “đỉnh” từ trước đến nay nên người trồng keo rất vui mừng. Hiện diện tích rừng trồng của công ty quản lý là hơn 5.000 ha, mỗi năm phía công ty tiến hành thu hoạch khoảng 150 – 200 ha và tổ chức trồng lại rừng ngay sau khi thu hoạch.

Chú thích ảnhRừng trồng cây keo lai tại huyện M’Đrắk. 

“Trong thời gian tới dự kiến công ty sẽ mở rộng riện tích rừng trồng lên 9.000 ha. Toàn bộ diện tích rừng trồng phía công ty sẽ liên kết và giao khoán cho người dân nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực tế cho thấy, trồng rừng sản xuất không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số mà còn góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng ở địa phương, cải thiện môi sinh môi trường”. ông Phan Văn Châu cho biết thêm.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện M’Đrắk Nguyễn Đức Thảo cho biết, M’Đrắk là huyện miền núi, địa hình đồi núi hiểm trở, đất đai kém màu mỡ nên sản xuất nông, lâm nghiệp rất khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây hiệu quả kinh tế từ trồng rừng sản xuất cây keo đã góp phần thay đổi diện mạo đời sống nhân dân. Đặc biệt, hiện giá thu mua gỗ keo nguyên liệu đang có xu hướng tăng, điều này hứa hẹn sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn cho người trồng. Bên cạnh đó, trồng rừng sản xuất cây keo còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tạo thêm việc làm cho lực lượng lao động địa phương và nâng cao thu nhập cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Thảo, với giá keo nguyên liệu tăng cao trên địa bàn cũng có tình trạng một số ít người dân bán keo non nên địa phương đã chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân không bán keo non và tuân thủ kế hoạch sản xuất của địa phương để đảm bảo phát triển bền vững theo kế hoạch. Huyện cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh quan tâm đầu tư cụm công nghiệp tại địa phương và tăng cường kêu gọi đầu tư trên lĩnh vực chế biến lâm sản để tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo đầu ra cho rừng trồng sản xuất.

Nguồn bài viết