Trong lộ trình phát triển nền nông nghiệp đa giá trị và trách nhiệm, tỉnh xác định phát triển hợp tác xã là vấn đề cốt lõi, là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Do đó, tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng lẫn số lượng thành viên tham gia hợp tác xã, nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã. Việc phát triển các tổ chức của nông dân, nòng cốt là hợp tác xã sẽ khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; vừa tích tụ sản xuất tập trung, vừa tạo ra tính chuyên nghiệp trong sản xuất.
Bên cạnh đó, thời gian tới, tỉnh chú trọng ứng dụng công nghệ cao, quy trình kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra sản phẩm có chứng nhận, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.
Đắk Lắk hiện có 718 hợp tác xã, thu hút khoảng 69.500 thành viên tham gia. Tổng số lao động thường xuyên trong hợp tác xã khoảng 22.500 người. Đến nay, cơ bản các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đều tổ chức bộ máy và quản lý, điều hành theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã đã được nâng lên.
Những năm gần đây, sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cán bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sau khi nghỉ hưu có xu hướng quan tâm và nhiệt tình tham gia thành lập, quản lý hợp tác xã, qua đó mang lại nhiều khởi sắc trong tổ chức và quản lý đối với các hợp tác xã.
Doanh thu bình quân của hợp tác xã hiện khoảng 1,5 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân đạt 150 triệu đồng/hợp tác xã/năm. Thu nhập bình quân của thành viên, người lao động đạt 45 triệu đồng/ người/năm.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Dần cho biết, nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của tỉnh, hoạt động chủ yếu là sản xuất và xuất khẩu nông, lâm sản. Hợp tác xã nông nghiệp chiếm 68,9% hợp tác xã toàn tỉnh. Hiện nay, 5 công nghệ tiên tiến ứng dụng trong nông nghiệp thông minh đang được sử dụng hiệu quả trong nước gồm: công nghệ vật liệu mới, công nghệ robot và tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, ứng dụng công nghệ thông tin vào nông nghiệp - áp dụng internet vạn vật (IoT).
Tuy nhiên, số hợp tác xã trên địa bàn áp dụng các công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp thông minh còn ít, chủ yếu chỉ tập trung đầu tư vào công nghệ tự động điều tiết nước tưới, máy bay không người lái phục vụ phun thuốc, sử dụng điện năng lượng mặt trời để sản xuất, làm mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc…
Ứng dụng chuyển đổi số vào khâu chế biến, quản lý hợp tác xã, tiêu thụ và quảng bá sản phẩm thì chưa được quan tâm. Phần lớn thành viên hợp tác xã chưa qua đào tạo về công nghệ thông tin nên gặp khó khăn trong việc tiếp cận và thực hiện quá trình chuyển đổi số, ảnh hưởng đến năng lực khai thác thông tin, định hướng chiến lược, tiếp cận thị trường của hợp tác xã.
Ông Lê Văn Dần nhấn mạnh, từ thực trạng hoạt động hiện nay, điều cần thiết phải làm ngay là các hợp tác xã cần áp dụng giải pháp phù hợp để chuyển đổi số. Giải pháp trước mắt là toàn tỉnh cần nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ chủ chốt và thành viên của hợp tác xã.
Cùng với đó, Liên minh Hợp tác xã kiến nghị tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ cho hợp tác xã; triển khai thí điểm các mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ số làm điểm để đánh giá, rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng; phát triển các đơn vị giải pháp công nghệ, làm trung tâm kết nối các thành phần khác của hệ sinh thái nông nghiệp trong thời kỳ chuyển đổi số.