Đắk Lắk chủ động thích ứng an toàn với dịch COVID-19

3 năm trước 260
Chú thích ảnhLực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệp cho người dân thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Đến nay, nhiều địa phương đã “đổi màu” khi chuyển từ “vùng đỏ” sang “vùng xanh” an toàn, đây cũng là cơ sở để chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Lắk từng bước triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng chủ động, linh hoạt trong kiểm soát dịch nhằm thích ứng an toàn với dịch bệnh và quyết tâm giữ vững trạng thái bình thường mới để phát triển kinh tế - xã hội.

Thay đổi để thích ứng an toàn

Sau một thời gian áp dụng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng ở nhiều địa phương để sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý phù hợp, điều trị hiệu quả đối với F0, tỉnh Đắk Lắk đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch và chuyển hướng chỉ đạo với chủ trương “sống chung" với dịch và nỗ lực đưa cuộc sống người dân về trạng thái bình thường mới.

Phong tỏa triệt để, chặt chẽ các ổ dịch, nguồn lây trong thời gian nhanh nhất, phạm vi nhỏ nhất và xét nghiệm nhanh nhất là yêu cầu của tỉnh Đắk Lắk đối với chính quyền các địa phương và lực lượng chức năng khi phát hiện ổ dịch mới. Đây là biện pháp nhằm phát huy sự chủ động, linh hoạt trong công tác phòng, chống dịch trong giai đoạn hiện nay để vừa nâng cao hiệu quả trong phòng, chống dịch vừa duy trì trạng thái bình thường, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng: Sau thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách để phòng, chống dịch, thành phố đã cho phép mở lại một số hoạt động kinh doanh để thúc đẩy kinh tế. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và có nguy cơ bùng phát trong cộng đồng. Đặc biệt, trong những ngày cuối tháng 9 vừa qua, thành phố liên tiếp ghi nhận các chùm ca bệnh ở tổ dân phố 4, phường Khánh Xuân và ở thôn Cao Thắng, buôn Tơng Ju, xã Ea Kao, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã phong tỏa trên phạm vi hẹp, khẩn trương truy vết, sàng lọc trong thời gian ngắn nhất có thể để nhanh chóng kiểm soát các ổ dịch, hạn chế sự lây lan và duy trì trạng thái bình thường đối với các khu vực còn lại. Đây là các biện phù hợp và hiệu quả được áp dụng trong thời điểm hiện tại.

Trong gần 2.000 ca mắc COVID-19 của tỉnh Đắk Lắk, có trên 50% là đồng bào dân tộc thiểu số với những chùm ca bệnh lên đến hàng trăm người. Với đặc thù đề cao cao tính cộng đồng, luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau trong quá trình làm kinh tế, nương rẫy hay cưới hỏi, tang ma, đây cũng là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh trong các buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, để hướng tới mục tiêu duy trì cuộc sống bình thường mới thì cần thiết phải thay đổi để thích ứng an toàn với dịch bệnh.

Ông Lục Duy Phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Cư Né, huyện Krông Búk cho biết, địa phương từng là ổ dịch lớn của tỉnh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Sau hơn một tháng chống dịch, ổ dịch đã cơ bản được khống chế, đời sống nhân dân đang dần ổn định trong trạng thái “vùng xanh” an toàn. Để duy trì trạng thái bình thường mới, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh công tác phổ biến các biện pháp phòng, chống dịch trong nhân dân, đặc biệt phát huy vai trò tuyên truyền của những già làng, trưởng buôn, người có uy tính trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo để triển khai tuyên truyền việc chấp hành đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch khi tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội tại địa phương.

Ông Y Krú Ayun, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận buôn Đrao, xã Cư Né chia sẻ: Vừa qua, dịch COVID-19 đã làm hàng trăm người dân của buôn nhiễm bệnh, buôn làng đã rất nỗ lực để đẩy lùi dịch bệnh. Để bảo vệ “vùng xanh” của buôn làng và với quyết tâm thay đổi để duy trì cuộc sống bình thường mới, bà con trong buôn đã nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, thực hiện đầy đủ các biện pháp theo khuyến cáo của ngành Y tế, nhất là thực hiện đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác, thường xuyên sát khuẩn tay, không tụ tập đông người và khai báo y tế đầy đủ khi di chuyển từ các vùng khác về. Đặc biệt, các hoạt động cưới hỏi, tang ma, sinh hoạt tôn giáo cũng diễn ra trên tinh thần đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.

Rõ ràng, khi lựa chọn “sống chung" với dịch COVID-19 thì sự thay đổi các biện pháp phòng, chống dịch từ phía chính quyền lẫn người dân đều rất quan trọng để vừa thích ứng với tình hình dịch bệnh vừa duy trì môi trường an toàn phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Phòng dịch từ ý thức

Để duy trì sự ổn định phục vụ sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, đòi hỏi mỗi người dân, cơ sở kinh doanh phải nâng cao y thức phòng, chống dịch trong mọi hoạt động kinh tế - xã hội, đây là một trong những điều kiện tiên quyết để bảo vệ trạng thái bình thường mới trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường.

Anh Nguyễn Huy Hoàng, chủ cơ sở chuỗi cà phê Rilak tại thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: Dịch COVID-19 đã gây thiệt hại nặng nề đến nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Do đó, việc tạo điều kiện để khôi phục hoạt động kinh doanh trong thời điểm này là cấp thiết để “giải cứu” doanh nghiệp trước nhiều khó khăn đang bủa vây. Về phía doanh nghiệp và người dân rất đồng tình với các biện pháp phòng, chống dịch của chính quyền vừa qua khi cho phép một số dịch vụ mở cửa trở lại nhằm hướng đến thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất, mang tính chất quyết định vẫn là ý thức của người dân và doanh nghiệp trong việc duy trì tốt các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo để phòng dịch hiệu quả.

“Với mong muốn duy trì trạng thái bình thường mới để phục vụ kinh doanh, cơ sở đã áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch như thường xuyên sát khuẩn bàn ghế, đảm bảo khoảng cách giữa các nhóm khách, phục vụ đủ số lượng người quy định, bố trí hệ thống quạt để không khí lưu thông liên tục. Đặc biệt, sát khuẩn tay cho tất cả khách hành trước khi vào quán, thực hiện khai báo y tế bắt buộc trên các ứng dụng hoặc ghi lại đầy đủ thông tin khách hàng để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên đều được hướng dẫn và phải chấp hành tuyệt đối các biện pháp phòng, chống dịch. Hy vọng tất cả người dân, doanh nghiệp đều chung tay, phòng dịch từ ý thức để cùng nhau duy trì “vùng xanh” an toàn và từng bước ổn định cuộc sống sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, anh Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ.

Theo ông Đoàn Ngọc Thượng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột: Qua nắm bắt tình hình cho thấy, hiện có một bộ phận người dân còn chủ quan, một số chính quyền cấp cơ sở còn lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Do đó, thành phố sẽ tiến hành các đợt cao điểm kiểm tra và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh không thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch. Về phía người dân, phải phát huy ý thức, trách nhiệm của bản thân với gia đình, cộng đồng để chung tay cùng chính quyền trong phòng, chống dịch để mỗi người dân thật sự trở thành một “chiến sỹ” trên mặt trận phòng, chống dịch trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh: Để thích ứng an toàn với mọi diễn biến của dịch bệnh, tỉnh sẽ sớm hoàn thiện kế hoạch phòng, chống dịch trong giai đoạn mới với phương châm “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Đắk Lắk tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 chủ động, phù hợp; quán triệt phương châm lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ” trên mặt trận phòng, chống dịch. Tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn theo nguyên tắc sản xuất phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất; nghiêm cấm việc ban hành các quy định không phù hợp, không đúng thẩm quyền gây cản trở, ách tắc giao thông, lưu thông hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu.

Phải khẳng định rằng, trạng thái bình thường mới “không từ trên trời rơi xuống”, mà phải được chung tay xây dựng từ phía chính quyền, doanh nghiệp và chính mỗi người dân, nhất là duy trì ý thức phòng, chống dịch ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát để sớm phục hồi nền kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giảm tối đa thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Nguồn bài viết