Đưa vốn chính sách đến với người dân Làng văn hóa kiểu mẫu

11 tháng trước 87

Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc sớm hoàn thành xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. 

Chú thích ảnhCó thêm vốn vay ưu đãi, gia đình anh Nguyễn Văn Lưu ở xã Đôn Nhân, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc có điều kiện cải tạo vườn, nuôi bò sinh sản, hiện gia đình có hơn 10 con bò các loại, 4 mẫu vườn cây ăn quả chuẩn bị cho thu hoạch. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Gia đình anh Trần Văn Bốn, thôn Đồng Cà, xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc là hộ dân sớm nhận được nguồn vốn theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh. Anh Bốn phấn khởi cho biết, ngay sau khi biết có chính sách hỗ trợ vay vốn lãi suất ưu đãi để phát triển kinh tế, vợ chồng anh mạnh dạn vay số tiền 200 triệu đồng với mức lãi suất thấp để mở cửa hàng giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP của địa phương.

Với 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình anh Bốn đã mở cửa hàng bày bán nhiều sản phẩm OCOP chất lượng và đặc sắc như: Mật ong Tam Đảo, rượu ba kích, nấm Đông Trùng Hạ Thảo, tinh bột nghệ… Đây là những mặt hàng đặc thù, cùng với bán trực tiếp, gia đình anh Bốn còn bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Vương Hồng Quân, Phó trưởng Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tam Đảo cho biết: Tam Đảo là địa phương được phân bổ vốn vay với tổng số tiền 15,5 tỷ đồng cho 80 hộ vay ở Làng văn hóa kiểu mẫu. Đến tháng 9/2023, huyện đã giải ngân hoàn thành 100% chỉ tiêu giao vốn về cho 5 Làng văn hóa kiểu mẫu tại các xã: Yên Dương, Bồ Lý, Đạo Trù, Tam Quan và Minh Quang. Sau khi nhận đủ tiền vay trong vòng 30 ngày, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, xã, các hội đoàn thể nhận ủy thác trực tiếp kiểm tra thực tế sử dụng vốn vay của từng hộ bảo đảm đúng quy định. Qua kiểm tra thực tế, các hộ đã chủ động đưa nguồn vốn vay vào đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh theo đúng mục đích.

Tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, xác định giải ngân vốn vay ưu đãi hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, ngay sau khi có chủ trương, nguồn vốn, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các xã Lý Nhân, xã Vĩnh Thịnh, xã Vĩnh Ninh, các Tổ tiết kiệm và vay vốn tại các thôn thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu làm tốt công tác tuyên truyền, rà soát, thẩm định, giám sát, kịp thời đưa nguồn vốn đến với người dân đáp ứng nhu cầu sản xuất kinh doanh. 

Đến nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Vĩnh Tường đã giải ngân 100% vốn vay ưu đãi hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu được phân bổ trong năm 2023 cho 57 hộ dân tại các thôn với số tiền 10,5 tỷ đồng.

Thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh là một trong ba thôn của huyện Vĩnh Tường được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. Qua kiểm tra, rà soát các điều kiện, thôn có 20 hộ được vay vốn với tổng số tiền 3,6 tỷ đồng, trong đó gần 80% số hộ vay để mở rộng chăn nuôi bò sữa, còn lại vay sản xuất, kinh doanh dịch vụ.

Gia đình ông Trần Văn Hoan là một trong những hộ nuôi bò sữa đầu tiên ở thôn Duy Bình, xã Vĩnh Ninh. Song với nguồn vốn eo hẹp, gia đình ông chủ yếu phát triển theo hướng lấy ngắn nuôi dài. Sau khi được giải ngân 200 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi theo Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, với mức lãi suất 6,6%/năm, thời hạn cho vay 48 tháng, gia đình ông đã mua thêm 4 con bò đang độ tuổi sinh sản. Khoảng 2 tháng nữa, bò của gia đình ông sẽ cho thu hoạch sữa, với giá bán 15.000 đồng/lít, thu nhập của gia đình ông sẽ tăng thêm đáng kể.

Làng văn hóa kiểu mẫu là sáng kiến của tỉnh Vĩnh Phúc được triển khai từ tháng 1/2023, nhằm mục tiêu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần; thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, dịch vụ, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, xây dựng hệ thống chính trị…

Để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tại các Làng văn hóa kiểu mẫu, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 06 quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2023 - 2030. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân có hộ khẩu thường trú tại các Làng văn hóa kiểu mẫu có nhu cầu vay vốn để thực hiện sản xuất kinh doanh, dịch vụ sẽ được vay tối đa là 200 triệu đồng. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo. Các hộ gia đình, cá nhân là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hoặc là người khuyết tật được áp dụng lãi suất cho vay bằng 50% lãi suất cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo. Thời hạn cho vay tối đa 60 tháng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay, 100% các huyện, thành phố trên địa bàn đã thực hiện giải ngân cho vay đến các đối tượng có nhu cầu và đủ điều kiện tại các địa phương thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu với số tiền 96,5 tỷ đồng cho tổng số 541 hộ vay. Những nguồn vốn vay hỗ trợ các mô hình kinh tế tại các Làng văn hóa kiểu mẫu đã điều kiện để người dân mạnh dạn thay đổi tư duy sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, biến làng quê trở thành nơi đáng sống.

Nguồn bài viết