Xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ gắn với liên kết tiêu thụ

11 tháng trước 85
Chú thích ảnhThu hoạch dừa sáp tại xã Hoà Tân (Cầu Kè, Trà Vinh). 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh Lê Văn Đông cho biết, hiện trên địa bàn tỉnh có 7 doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ và liên kết tiêu thụ sản phẩm với hơn 5.700  hộ trồng dừa ở huyện Tiểu Cần, Càng Long và Châu Thành, trên diện tích gần 5.000 ha; trong đó, có 6 doanh nghiệp ngoài tỉnh và 1 doanh nghiệp trong tỉnh (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sokfarm).

Hầu hết các diện tích dừa hữu cơ này được doanh nghiệp thu mua với giá cao hơn từ 5-15% so với giá thị trường.

Theo ông Lê Văn Đông, thêm tín hiệu vui đối với các hộ trồng dừa là Cục Bảo vệ thực vật đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định thư xuất khẩu dừa chính ngạch sang Trung Quốc. Để sẵn sàng cho dừa Trà Vinh xuất sang thị trường lớn này, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với các địa phương khẩn trương xây dựng vùng trồng dừa xuất khẩu.

Theo đó, cùng với việc lựa chọn vùng trồng đủ điều kiện, ngành nông nghiệp hướng dẫn nhà vườn thực hiện thống nhất quy trình sản xuất, ghi chép đầy đủ nhật ký canh tác, quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu của nước nhập khẩu và tuân thủ đầy đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Như vậy, thời gian tới, ngành hàng dừa của tỉnh Trà Vinh sẽ có thêm thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao giá trị ngành hàng dừa ở địa phương.

Hiện toàn tỉnh có khoảng 90.000 hộ trồng dừa trên tổng diện tích 27.380 ha với gần 7 triệu cây; tập trung nhiều nhất ở huyện Càng Long, Tiểu Cần và Cầu Kè. Diện tích trồng dừa của Trà Vinh đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau tỉnh Bến Tre, với sản lượng đạt khoảng 444 triệu quả/năm.

Đến nay, tỉnh có 24 mã số vùng trồng xuất khẩu và 50 mã số vùng trồng nội địa; trong đó có 17 mã số vùng trồng nội địa được cấp trên cây dừa với diện tích gần 1.300 ha. Đặc biệt, có 1 vùng trồng dừa tại xã Huyền Hội, huyện Càng Long đã được Tổng cục Hải Quan Trung Quốc kiểm tra trực tuyến vào tháng 8/2023.

Nguồn bài viết