Dấu mốc này là tiền đề quan trọng trong tiến trình xây dựng thành phố Gò Công trở thành trung tâm đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang.
Thị xã Gò Công nằm trên trục hành lang kinh tế phía Tây Nam của vùng Thành phố Hồ Chí Minh, là trung tâm du lịch văn hóa lịch sử, thương mại-dịch vụ, kết nối vùng Thành phố Hồ Chí minh với vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thị xã Gò Công là đô thị trung tâm của vùng động lực phía Đông của tỉnh, tập trung phát triển kinh tế biển, các khu – cụm công nghiệp, cảng tổng hợp ven biển, vận chuyển biển; phát triển đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản; phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch biển.
Trong các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thị xã Gò Công được quy hoạch thành phố thuộc tỉnh trong giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tỉnh Tiền Giang và thị xã Gò Công đã tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị. Ngày 29/5/2023, Bộ Xây dựng có văn bản số 2144/BXD-PTĐT tiếp tục công nhận tiêu chí đô thị loại III đối với thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.
Từ vị trí, tiềm năng, lợi thế, sự phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của 4 xã (Long Chánh, Long Hưng, Long Thuận, Long Hòa), 4 phường (các Phường 1, 2, 3, 4) và thị xã Gò Công thì việc thành lập, sắp xếp các phường thuộc thị xã Gò Công cũng như thành lập thành phố Gò Công là cần thiết.
Ông Giản Bá Huỳnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công cho biết: Tỉnh ủy Tiền Giang đã ban hành Nghị quyết 12-NQ/TU để xây dựng thị xã Gò Công thành thành phố Gò Công vào năm 2025. Ủy ban nhân dân thị xã đã tham mưu Thị ủy ban hành nghị quyết và chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TU của Tỉnh ủy. Theo đó, thị xã Gò Công thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án trên cơ sở Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Đến nay, tiến trình xây dựng thành phố Gò Công rất thuận lợi và được người dân trên địa bàn thị xã đồng thuận, hưởng ứng cao.
Ủy ban nhân dân thị xã Gò Công có kế hoạch xây dựng 4 xã Long Chánh, Long Hòa, Long Thuận, Long Hưng thành 4 phường; xây dựng thành phố Gò Công trên cơ sở địa giới hành chính của thị xã, không mở rộng địa giới hành chính, đảm bảo tiêu chí về diện tích tự nhiên.
Ông Lương Anh Trung, người dân ấp Xóm Dinh, xã Long Thuận, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang chia sẻ, để xây dựng thị xã Gò Công trở thành thành phố, xã Long Thuận được đầu tư phát triển trở thành phường với hệ thống đường giao thông khang trang hơn. Hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng công cộng được xây dựng giúp bộ mặt địa phương thay đổi. Người dân rất vui mừng, phấn khởi khi thị xã Gò Công được đầu tư, phát triển trở thành thành phố Gò Công.
Với sự đồng thuận cao của hệ thống chính trị và nhân dân, thị xã Gò Công từng bước vươn lên trở thành đô thị khang trang, hiện đại. Theo tiến trình đô thị hóa, diện mạo thị xã Gò Công đã sáng, xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn với những dãy phố dọc ngang, khu đô thị mới, công trình giao thông…
Ông Nguyễn Văn Hai (68 tuổi, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang) phấn khởi cho biết, thị xã Gò Công ngày càng khởi sắc với diện mạo đô thị hiện đại, người dân có điều kiện hưởng thụ cuộc sống vật chất và tinh thần tốt hơn.
Năm 2023, thị xã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận với 21/21 chỉ tiêu, nhóm chỉ tiêu vượt hơn năm 2022. Trong đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện là 3.768 tỷ đồng, tăng 17,25%; số doanh nghiệp thành lập mới là 44, phát triển 659 hộ kinh doanh, nâng tổng số lên 5.393 hộ. Tổng thu ngân sách hơn 235 tỷ đồng, đạt 137,46% dự toán. Địa phương đã thu hút được 29 nghìn lượt khách du lịch, tăng 1,02%. Trong sản xuất nông nghiệp, sản lượng cây lương thực là 66,888 nghìn tấn; sản lượng rau màu thực phẩm 110,1 nghìn tấn; đàn vật nuôi, sản lượng nuôi trồng thủy sản và khai thác vượt kế hoạch đề ra…
Hiện nay, chính quyền và nhân dân thị xã Gò Công tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm để địa phương trở thành đô thị hạt nhân vùng kinh tế - đô thị phía Đông của tỉnh Tiền Giang. Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Giản Bá Huỳnh trao đổi: Thị xã Gò Công tiếp tục thực hiện các công trình đầu tư công, tạo sự đồng bộ hạ tầng cho khu vực. Thị xã có kế hoạch trùng tu, sửa chữa các di tích lịch sử, văn hóa theo đúng quy định và hoàn chỉnh đề án khai thác, góp phần phát triển tiềm năng và lợi thế du lịch trên địa bàn. Thị xã tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự; nâng tầm diện mạo đô thị khi trở thành thành phố.
Thị xã Gò Công chủ động xây dựng kế hoạch với lộ trình thực hiện các nội dung cụ thể ra mắt thành phố Gò Công; sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, cơ sở vật chất và đặt tên khu phố, trường học khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 35/2023/UBTVQH15. Địa phương có kế hoạch, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo đúng hướng tái cơ cấu ngành kinh tế, giảm tỉ trọng nông nghiệp, tăng thương mại – dịch vụ và xây dựng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.