Xây dựng sản phẩm làng nghề truyền thống gắn kết phát triển du lịch

11 tháng trước 70
Chú thích ảnhCác sản phẩm OCOP của Vĩnh Phúc. Ảnh (tư liệu): Nguyễn Trọng Lịch/TTXVN

Triển lãm có quy mô gần 100 gian hàng của các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu biểu, chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc. Những sản phẩm trưng bày, giới thiệu, quảng bá tại triển lãm được lựa chọn từ nhóm thủ công mỹ nghệ, nông sản thực phẩm, sản phẩm làng nghề truyền thống, ẩm thực tiêu biểu của các địa phương, như sản phẩm tacumin; nấm đùi gà; thanh long ruột đỏ; trà hoa vàng Tam Đảo; trà đinh lăng, cà gai leo; mật ong Tam Đảo, mật ong hoa rừng đặc biệt; nho đen không hạt... Triển lãm còn có sự góp mặt các sản phẩm tiêu biểu của các làng nghề truyền thống trong tỉnh, như hoa cây cảnh; rắn Vĩnh Sơn; dụng cụ nghề rèn Lý Nhân; sản phẩm nghề mộc Thanh Lãng; gốm Hương Canh...

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Phi, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Triển lãm là hoạt động có ý nghĩa thiết thực cả về kinh tế, chính trị và xã hội nhằm quảng bá tiềm năng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, đầu tư và du lịch dịch vụ của tỉnh Vĩnh Phúc. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất tiêu biểu, chủ thể sản phẩm OCOP của tỉnh quảng bá sâu rộng với khách tham quan, người tiêu dùng về thương hiệu, sản phẩm, mô hình nông nghiệp gắn kết du lịch, từng bước nâng cao giá trị thương hiệu, bảo tồn làng nghề truyền thống, đa dạng hóa sản phẩm OCOP gắn với du lịch của địa phương

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 105 sản phẩm được công nhận OCOP. Thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại cùng với việc gắn kết sản phẩm OCOP với các điểm tham quan, du lịch cũng tạo thêm cơ hội và điều kiện để du khách trong và ngoài nước biết đến sản phẩm OCOP của tỉnh Vĩnh Phúc nhiều hơn.

Triển lãm các sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp nông thôn tiêu biểu gắn với sản phẩm du lịch tỉnh Vĩnh Phúc năm 2023 dự kiến diễn ra đến hết ngày 20/12.

Nguồn bài viết