Ngày 28/9, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy (Nam Định) tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập huyện Giao Thủy (1934 – 2024), đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy.Tại buổi lễ, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy; Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị trao Bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023.
Bí thư Tỉnh uỷ Nam Định Phạm Gia Túc phát biểu tại buổi lễ.Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc biểu dương và chúc mừng những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Giao Thủy đạt được trong suốt 90 năm qua và đề nghị, trong thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Giao Thủy tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, văn hiến, đoàn kết, thống nhất, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sức mạnh toàn dân, nỗ lực phấn đấu khắc phục khó khăn, xây dựng huyện thực sự vững mạnh toàn diện.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chỉ đạo huyện tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Giao Thủy nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Đồng thời tích cực, khẩn trương triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 157 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW và các hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Kết luận số 01- KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chống "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; đề cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Huyện cần tiếp tục tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học, công nghệ, thúc đấy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; tăng cường xúc tiến đầu tư vào những lĩnh vực Giao Thủy có lợi thế, tiềm năng nhằm thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, lao động của huyện.
Cùng với đó, huyện cần chú trọng đầu tư phát triển nhanh cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị để mở ra không gian phát triển mới cho huyện; khai thác hiệu quả các tuyến đường bộ mới kết nối với các tỉnh, thành phố Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh như đường bộ ven biển, tuyến đường bộ mới từ thành phố Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển...; phấn đấu hoàn thành mục tiêu Giao Thủy được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2024; xây dựng nông thôn Giao Thủy trở thành miền quê yên bình, đáng sống.
Bí thư Tỉnh ủy Nam Định tin tưởng với truyền thống vẻ vang của quê hương anh hùng, cách mạng và những thành tựu đã đạt được trong 90 năm đấu tranh, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Giao Thủy luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, sáng tạo, hội nhập và phát triển; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, đổi mới toàn diện, tạo những bứt phá mới trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng huyện Giao Thủy phát triển nhanh, mạnh, bền vững, sớm trở thành một cực tăng trưởng của tỉnh, góp phần xây dựng tỉnh Nam Định ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước.
Theo Bí thư Huyện ủy Giao Thủy Phạm Quang Ái, ngày 20/3/1934, Phủ Xuân Trường (Nam Định) được chia thành 2 đơn vị hành chính là phủ Xuân Trường và huyện Giao Thuỷ. Đây là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự ra đời của đơn vị hành chính huyện Giao Thủy như địa giới hành chính hiện nay. Sau các lần chia tách, sáp nhập, năm 1997, đứng trước yêu cầu nhiệm vụ mới nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương, huyện Giao Thủy được tái lập theo Nghị định 19-CP của Chính phủ sau 30 năm hợp nhất với huyện Xuân Trường.
Trên hành trình cùng cả nước và cả tỉnh thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Giao Thủy phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tập trung ổn định tình hình; năng động, sáng tạo với quyết tâm cao, nỗ lực phấn đấu không ngừng trong xây dựng và phát triển quê hương.
Từ một huyện thuần nông, kinh tế phát triển chậm, song với khát vọng vươn lên, đến nay kinh tế của huyện có tốc độ phát triển khá cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tỷ trọng công nghiệp - xây dựng, dịch vụ liên tục tăng, tỷ trọng nông - lâm - ngư nghiệp giảm dần qua các năm; công tác quy hoạch, xúc tiến thu hút đầu tư được quan tâm thực hiện, đạt nhiều kết quả tích cực; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tập trung lãnh đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Đảng bộ huyện hiện có 75 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc với gần 9.000 đảng viên; hàng năm có trên 90% tổ chức cơ sở Đảng, trên 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.