Xuân Lộc trở thành huyện nông thôn mới nâng cao đầu tiên cả nước

4 tháng trước 33

Xuân Lộc đã và đang thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đối với các mô hình kinh tế tập thể… nhằm đạt mục tiêu “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững”.

Với 32/33 phiếu đồng ý, Ban Chỉ đạo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh đã thông qua kết quả xây dựng huyện NTM nâng cao của Xuân Lộc. Đây là nội dung chính trong buổi làm việc về kết quả thực hiện chương trình NTM năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 16/11.

Chú thích ảnhMô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn của Công ty TNHH thương mại Trang Trại Việt tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc. 

Thử thách với việc đặt mục tiêu cao

Ngay từ ban đầu, Xuân Lộc đã cho thấy sự nỗ lực của mình, khi là huyện NTM đầu tiên của Đồng Nai và cả nước.

Khi bắt đầu được thí điểm xây dựng huyện NTM kiểu mẫu, Xuân Lộc đã đề ra một mục tiêu đến năm 2025, như: 100% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao; trên 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững; thu nhập bình quân đầu người đạt 83 triệu đồng/người; giá trị sản xuất bình quân đất trồng trọt 220 triệu đồng/ha…

Trong quá trình ấy, đã có những khó khăn bước đầu như hoạt động sản xuất của nông dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp  gặp nhiều khó khăn, biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của thế giới... Đồng thời, Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có các chỉ tiêu, tiêu chí theo chuẩn mới có những yêu cầu cao hơn, cần nguồn lực lớn để đầu tư hơn so với giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, với vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thì địa phương đã những kết quả và có sự bứt phá đáng ghi nhận. Cụ thể, đến nay toàn huyện đã có 14/14 xã đạt NTM nâng cao và 9 xã đạt được NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 là hơn 70 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất bình quân của 1 ha đất trồng trọt đạt 160,8 triệu đồng; nếu tính luôn cả ngành chăn nuôi thì đạt 315 triệu đồng/ha.

Theo Chủ tịch UBND huyện Xuân Lộc Nguyễn Thị Cát Tiên, mặc dù với xuất phát điểm thấp, có nhiều xã nghèo khi bắt đầu vào xây dựng NTM, nhưng địa phương đã về đích về tỷ lệ xã NTM nâng cao. Để đạt được kết quả trên, cả hệ thống chính trị và người dân cùng đồng lòng tham gia xây dựng NTM. 

“Diện mạo của các vùng quê không ngừng thay da đổi thịt, đời sống của Nhân dân không ngừng được nâng cao. Huyện đầu tư mạnh, đồng bộ về hạ tầng nông thôn từ hệ thống đường giao thông; hệ thống điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất đến các tiêu chí trường học, y tế, trung tâm văn hóa, nhà văn hóa dân tộc…”, bà Tiên nhấn mạnh.

Theo ông Cao Tiến Sỹ, Giám đốc Sở NN- PTNT tỉnh Đồng Nai, sở đang tập trung thực hiện Đề án xây dựng huyện Xuân Lộc đạt NTM kiểu mẫu theo hướng “Phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp bền vững” giai đoạn 2018-2025; nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh đề án đảm bảo theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và nhân rộng những mô hình hiệu quả đến với các địa phương trong tỉnh.

Chú thích ảnhNông dân đang thu hoạch thanh long trong chuỗi liên kết tại huyện Xuân Lộc.

Thành quả của sự nỗ lực không ngừng

Theo chia sẻ của ông Trần Tuấn Khanh, chủ trang trại nuôi chim trĩ đỏ khoang cổ trắng trên địa bàn xã Xuân Phú, vùng đất này đã có sự thay đổi và ngày càng tạo thuận lợi cho sự phát triển mọi mặt. Trong đó, mạnh mẽ nhất là kinh tế - xã hội trên địa bàn và sau khi áp dụng các tiêu chí xây dựng NTM đã góp phần tạo lòng tin cho người dân mạnh dạn đầu tư kinh doanh để phát triển. 

Ông Khanh cho biết, mô hình nuôi chim trĩ cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với loại gia cầm như gà, vịt. Thịt thương phẩm chim trĩ bán được với giá 230.000 đồng/kg, trứng 11.000-14.000 đồng/quả, và con giống giá gần 1 triệu đồng/cặp.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục tăng đàn với số lượng hàng ngàn con, làm việc với nông dân địa phương, nhân rộng mô hình và cung cấp các điều kiện cần thiết, bao tiêu sản phẩm, bảo đảm lợi nhuận của nông dân tham gia cao hơn chăn nuôi các loại gia cầm khác”, ông Khanh khẳng định.

Vùng đất nghèo khó, bom đạn cày xới xưa kia, nay đã đổi thay nhanh chóng, nhiều mô hình kinh tế - xã hội đã và đang phát triển mạnh, điển hình như Hợp tác xã (HTX) rau Trường An sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; các sản phẩm từ NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu với thu nhập của người dân bình quân cuối 2022 đạt trên 80 triệu đồng/năm, gấp hơn 6,5 lần so thời điểm năm 2008…

Ngoài ra, Xuân Lộc cũng đã xây dựng được 25 mã vùng trồng, 61 nhãn hiệu hàng hóa, hơn 40 mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái vườn,... góp phần nâng giá trị sản xuất đất trồng trọt bình quân đạt 211 triệu đồng/ha, riêng với cây chủ lực đạt 277 triệu đồng/ha. Nếu tính cả chăn nuôi đạt trung bình 343 triệu đồng/ha, nâng mức thu nhập bình quân đạt gần 84 triệu đồng/người/ năm 2022, tăng hơn 14,3 triệu đồng/người so với năm 2020.

Chú thích ảnhĐường giao thông xanh sạch đẹp về xã nông thôn mới kiểu mẫu Xuân Trường, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai.

Theo Bí thư Huyện ủy Xuân Lộc Lê Kim Bằng, để hoàn thành mục tiêu trước thời hạn đề ra vào năm 2025 thì huyện đã yêu cầu cả hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn đang quyết tâm thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu để trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp. “Chúng tôi luôn xác định người dân là chủ thể và là đối tượng được thụ hưởng quá trình và những thành ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Vì vậy, trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mục tiêu cuối cùng là đời sống người dân được nâng lên”.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi nhận định, huyện Xuân Lộc luôn là địa phương đứng đầu tỉnh trong xây dựng NTM với thu nhập bình quân đất sản xuất đạt 171 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người 81 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã triển khai quyết liệt, đồng bộ trong đầu tư cho sản xuất, xây dựng thương hiệu sản phẩm để đạt được hiệu quả cao nhất.

Trong chiến tranh, Xuân Lộc được cả nước biết là “vùng đất lửa”, thì hiện nay Xuân Lộc là địa phương đi đầu trong xây dựng NTM đầu tiên trên cả nước. Không dừng lại đó, hiện nay Xuân Lộc đang tiến gần đến việc lặp lại kỳ tích để trở thành huyện NTM nâng cao đầu tiên của cả nước.

Nguồn bài viết