Đây là kỳ họp quan trọng đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm; bàn phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022; bàn và quyết định nhiều nội dung quan trọng khác. Tại kỳ họp, 21 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được thông qua.
Trong kỳ họp, các đại biểu được nghe các báo cáo, tờ trình của UBND, các ban, ngành trong tỉnh; báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh về hoạt động của Mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân 6 tháng đầu năm 2022; tiến hành thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022…
Theo bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, những tháng đầu năm 2022, dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức do các hậu quả của dịch COVID-19 kéo dài gây ra, giá cả nhiên vật liệu tăng cao ảnh hưởng tới sản xuất, song tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Kinh tế - xã hội của tỉnh có những chuyển biến rõ nét, hồi phục rất khả quan, tăng trưởng khá. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt trên 50% mục tiêu HĐND tỉnh giao, trong đó có 9/17 nhóm chỉ tiêu đạt hoặc vượt so với mục tiêu đề ra, các chỉ tiêu còn lại hầu hết vượt trên 50% so với kế hoạch cả năm 2022. Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán, các chính sách an sinh xã hội được quan tâm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế - xã hội của tỉnh Vĩnh Phúc tăng trưởng khá, kinh tế tăng trưởng 10,1%, nằm trong Top 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Tổng thu ngân sách đạt 20.650 tỷ đồng, tăng 8%, trong đó thu nội địa đạt 17.700 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cơ bản duy trì ổn định; sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh; ngành du lịch, dịch vụ phục hồi, phát triển; an sinh xã hội được bảo đảm; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Hoạt động thu hút đầu tư được đẩy mạnh với 7 dự án vốn đầu tư trong nước (DDI) được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, tổng vốn đăng ký 6.338 tỷ đồng; cấp mới 10 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký trên 126,8 triệu USD. Tình hình phát triển doanh nghiệp khởi sắc với 723 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 18.3% về số doanh nghiệp.
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Thị Thúy Lan yêu cầu các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các giải pháp và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, Nghị quyết HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch COVID-19; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội...
Cùng với đó, tỉnh nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án đầu tư phải có chọn lọc với các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh sản phẩm có tính cạnh tranh cao, có giá trị lớn, công nghệ và trang thiết bị hiện đại, quá trình sản xuất không ảnh hưởng tới môi trường sinh thái; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội, các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, nguồn vốn vay; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh.