Vĩnh Long: Tập trung ứng phó với các đợt triều cường dâng cao

2 năm trước 159
Chú thích ảnhVườn chanh của hộ ông Lê Ngọc Thêm, xã Thành Trung, huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long, bị ngập sâu trong nước do triều cường dâng (ảnh tư liệu).

Dự báo, mực nước sẽ tiếp tục lên nhanh theo triều và đạt đỉnh trong các ngày 27 - 28/10 (nhằm ngày mùng 3, mùng 4 tháng 10 âm lịch).

Theo đó, dự báo, mực nước trong các ngày đỉnh triều xuất hiện đo tại trạm Mỹ Thuận là 2,1 - 2,15m, tại trạm Cần Thơ 2,15 - 2,2m, trên mức báo động III là 0,3 - 0,35 m. Mực nước trên các sông rạch trong tỉnh cũng lên cao tương ứng như tại trạm Ba Càng 2,05 - 2,1m, trạm Phú Đức 2,15 - 2,2m…

Đỉnh triều sẽ xuất hiện trong khung giờ sáng từ 4 - 7 giờ, chiều từ 16 - 19 giờ. Các khu vực trũng thấp, ngoài đê bao và các tuyến nội ô thành phố Vĩnh Long có thể ngập sâu từ 0,3 - 0,4m, gây ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông thủy, các công trình hạ tầng và đời sống người dân. Cấp độ rủi ro thiên tai do ngập lụt là cấp độ 2.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long yêu cầu các địa phương, sở, ngành có liên quan cùng phối hợp triển khai khẩn cấp các giải pháp chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại do triều cường.

Theo đó, các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ để thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng người dân vùng trũng, thấp, ven sông và chủ đầu tư các công trình ven sông, kênh, rạch để chủ động thực hiện các biện pháp phòng, tránh, ứng phó. Địa phương cần rà soát, nắm tình hình, cảnh báo và di dời dân tại các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.

Các địa phương chuẩn bị lực lượng, phương tiện vật tư sẵn sàng theo phương châm “bốn tại chỗ”, đồng thời khẩn trương rà soát, kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình liên quan đến phòng chống thiên tai, nắm tình hình và phối hợp các ngành xử lý sớm các sự cố sạt lở bờ bao, đê bao, hư hỏng công trình… để chủ động gia cố, giảm nguy cơ gây ngập trên diện rộng. Ngoài ra, địa phương cần có phương án phòng, chống ngập úng, vận hành các máy bơm tiêu thoát nước để đảm bảo diện tích nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái, lúa và hoa màu của người dân.

Các ngành tích cực phối hợp hỗ trợ địa phương trong triển khai xử lý ngay những hư hỏng của hệ thống đê bao bờ bao, khắc phục các đường giao thông đã bị hư hỏng, khơi thông dòng chảy; triển khai giải pháp phòng, tránh đuối nước, điện giật, nhất là đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh, đưa đón học sinh trong mùa mưa bão; triển khai các biện pháp bảo vệ công trình đang thi công và đảm bảo sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt, từng địa phương, từng ngành làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, cập nhật thông tin cảnh báo, dự báo tình hình mưa lũ, triều cường để người dân nắm, phát huy tối đa tinh thần “bốn tại chỗ” để người dân cùng địa phương chủ động kịp thời các biện pháp phòng, tránh, ứng phó, giảm thiệt hại do ảnh hưởng của triều cường.

Trước đó, triều cường đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều địa phương của tỉnh Vĩnh Long. Tại thành phố Vĩnh Long, triều cường dâng cao khiến việc đi lại, mua bán của người dân gặp khó khăn. Tại các địa phương, triều cường không chỉ ảnh hưởng đời sống, đi lại mà còn gây thiệt hại vườn cây ăn trái, hoa màu của người dân.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, đợt triều cường vừa qua (từ ngày 7 - 13/10) đã làm ngập hơn 500ha lúa, cây ăn trái và rau màu; làm tràn 35 tuyến bờ bao, lở hơn 30 đoàn bờ bao và đập; ngập hơn 500 căn nhà, gần 70 ao cá, ba ba. Ước tổng thiệt hại hơn 2 tỷ đồng.

Nguồn bài viết