Vĩnh Long phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết để xây dựng và phát triển

2 năm trước 502
Chú thích ảnhPhó Bí thư Thương trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm phát biểu ôn lại truyền thống tại buổi họp mặt. 

Tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm đã ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của quân và dân Việt Nam, đồng thời khẳng định chiến thắng ngày 30/4/1975 là thành quả vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc do Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người với niềm mong mỏi suốt đời là làm sao cho nước nhà được độc lập, thống nhất, non sông liền một dải, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc.

Vĩnh Long là một tỉnh trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí chiến lược là cầu nối giữa miền Đông và Tây Nam bộ, nơi tranh chấp quyết liệt của ta với địch, nơi kẻ thù triển khai và thí điểm nhiều chiến lược chiến tranh nhưng Đảng bộ, dân và quân trong tỉnh luôn bám trụ kiên cường, đoàn kết một lòng, quyết tâm đánh giặc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã vận dụng sáng tạo những chủ trương, đường lối của Đảng vào tình hình thực tế của địa phương, cùng với sự quyết tâm, đồng lòng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, Vĩnh Long đã lập nên những mốc son lịch sử chói lọi.

Trải qua 46 năm sau ngày giải phóng, Vĩnh Long đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,5 triệu đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật được đầu tư phát triển và không ngừng được hoàn thiện, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch. Xây dựng nông thôn mới của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, đến nay có 55/87 xã và một đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 13/20 phường, thị trấn đạt đô thị văn minh.

Chú thích ảnhNguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Trương Văn Sáu phát biểu tại buổi họp mặt. 

Cùng với phát triển kinh tế, Vĩnh Long luôn quan tâm giải quyết tốt các vấn đề xã hội, gắn tăng trưởng kinh tế với chăm lo đời sống cho nhân dân. Phong trào "đền ơn đáp nghĩa", "uống nước nhớ nguồn" đã trở thành việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Đến nay, toàn tỉnh có 2.850 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó có 200 mẹ còn sống được phụng dưỡng đến cuối đời. Chương trình giảm nghèo, xây dựng và sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo luôn được quan tâm thực hiện. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 1,16%, thấp hơn so với bình quân của cả nước.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Long kêu gọi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tỉnh Vĩnh Long tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết để xây dựng, phát triển Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với lịch sử 90 năm phát triển của Đảng bộ tỉnh, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước.

Nguồn bài viết