Vụ việc sạt lở mới nhất vào ngày 20/4 khiến người dân bất an hơn khi phải chứng kiến từng phần đất cứ bị “hà bá” ngoạm. Những hộ dân còn bám trụ ở cồn mong muốn địa phương sớm có giải pháp ứng phó hiệu quả, lâu dài với tình trạng sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống dân sinh tại đây.
Trước đó, vào trưa 20/4, một đoạn đê bao tại cồn Thanh Long bị sạt lở nghiêm trọng khiến hầu hết vườn cây ăn trái và nhà dân trong khu vực bị ngập nặng. Đoạn sạt lở dài khoảng 40m, xâm thực vào bên trong khoảng 10m. Đến chiều cùng ngày, nước sông Cổ Chiên đã tràn vào bên trong làm nhiều nhà dân và vườn cây ăn trái bị ngập. Đây là lần sạt lở lớn thứ 4 từ năm 2016 đến nay, mỗi lần sạt lở như thế đời sống người dân lại xáo trộn, sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Gia đình ông Nguyễn Chí Lập đã sinh sống, làm ăn ở cồn Thanh Long từ nhiều năm qua. Hơn 5 năm nay, gia đình liên tục chứng kiến cảnh bờ sông sạt lở, vườn cây ăn trái bị thiệt hại. Mấy tháng nay, do tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, căn nhà của ông Lập đã bị rạn nứt và có nguy cơ rơi xuống sông. Lo lắng nên ông đành bỏ lại căn nhà, đưa cả gia đình di dời vào bên trong vườn để sinh sống. Thế nhưng, vụ sạt lở vừa qua đã làm nước sông tràn qua đê, khiến vườn và nhà ngập nước, gia đình buộc lòng “tái sử dụng” căn nhà cũ trên đê để sống tạm. Nhìn căn nhà rạn nứt bên mép “hà bà”, ông không khỏi bất an.
Ông Nguyễn Chí Lập cho biết: “Nhà bên trong vườn rất thấp nên mỗi lần sạt lở, nước ngập phải chạy lên bờ đê. Bây giờ sống tạm vài ngày, nước rút rồi dọn dẹp trở về để ở. Căn nhà này thì nứt toác và hư hỏng rồi, gia đình ra đây rất vất vả và không yên tâm. Thời gian qua, những hộ có điều kiện, có nhà ở đất liền thì chỉ giữ lại vườn ở cồn, còn gia đình thì đưa về đất liền để sống. Gia đình không mình có điều kiện phải bám trụ lại cồn, trông vào thu nhập từ vườn cây ăn trái”.
Từng nhiều lần chứng kiến cảnh đất vườn sạt lở xuống sông, từ năm 2015, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Yến đã quyết định về đất liền thuê nhà sinh sống. Mặc dù vậy, gia đình vẫn thường xuyên lui tới để chăm sóc vườn cây ăn trái còn ở trên cồn. Chị Yến cho biết, sạt lở liên tục trong những năm qua khiến gia đình chị mất gần 2.000m2 đất, vụ sạt lở mới nhất đã tiếp tục lấn sâu vào vườn chanh và có nguy cơ ăn sâu vào sân nhà của chị. Hiện vườn chanh ngập trong nước, còn căn nhà cũng mấp mé bên bờ sạt lở. “Ở đây người dân sống nhờ kinh tế vườn là chính, sạt lở liên tục như vậy người dân rất lo lắng. Người thì có thể di dời đi nhưng tài sản, vườn cây thì làm sao di dời được.”- chị Nguyễn Thị Kim Yến nói.
Phương tiện cơ giới đang gia cố khu vực sạt lở tại Cồn Thanh Long, ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.Theo ông Phan Thanh Minh, Trưởng ấp Phước Lý Nhì, xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, khu vực đê bao tại cồn Thanh Long từng bị sạt lở nghiêm trọng vào năm 2016, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Những năm gần đây, khu vực này vẫn tiếp tục sạt lở dù chính quyền và người dân địa phương đã nhiều lần gia cố. Trước nguy cơ sạt lở, một số hộ dân đã di dời đến nơi ở mới ở đất liền, chỉ giữ lại vườn cây ăn trái trên cồn. Hiện nay, 8 hộ dân còn đang sinh sống nơi đây cùng với hơn 17ha diện tích vườn cây ăn trái. Mỗi lần sạt lở, người dân vừa phải di dời, không có nơi ở ổn định, vừa phải lo vườn cây ăn trái bị thiệt hại vì bị ngập trong nước.
“Đa số bà con sống về nghề vườn, làm nhà không phải dạng chống lũ, nên mỗi lần vỡ đê là đời sống rất khó khăn. Người dân mong địa phương có phương án về lâu dài để hỗ trợ gia cố hạn chế sạt lở, giữ đất giữ nhà cho bà con” - ông Phan Thanh Minh chia sẻ.
Trong hai ngày qua từ khi sạt lở xảy ra, các đơn vị chức năng của tỉnh Vĩnh Long đã đến khảo sát và chỉ đạo công tác khắc phục sự cố, điều động các phương tiện cơ giới và vật tư, nhân lực đến để tiến hành gia cố để ngăn nước, hạn chế thiệt hại.
Tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, bởi lẽ hiện nay trên tuyến đê này còn rất nhiều vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao. Những hộ dân sinh sống nơi đây mong muốn ngành chức năng sớm có giải pháp ứng phó hiệu quả để hạn chế sạt lở, giúp người dân yên tâm sinh sống và sản xuất.