VinBrain giành giải thưởng quốc tế cho sản phẩm trí tuệ nhân tạo xuất sắc nhất

3 năm trước 346
Chú thích ảnh

Đây là giải thưởng danh giá hàng đầu thế giới trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và chỉ trao cho duy nhất một sản phẩm AI mỗi năm. Dự kiến, giải sẽ được trao tại Hội nghị quốc tế về trí tuệ nhân tạo (IJCAI) diễn ra từ ngày 19-26/08/2021 tại Canada. Năm 2019, giải được trao cho Tập đoàn Microsoft.

Giải thưởng Công nghiệp ACM SIGAI là một trong những giải thưởng danh giá hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) được trao hàng năm cho các cá nhân hoặc đơn vị thành công trong việc biến các nghiên cứu khoa học thành các ứng dụng AI trong thực tiễn. Giải thưởng do ACM SIGAI là khối chuyên biệt về Trí tuệ nhân tạo thuộc Hiệp hội Máy tính (ACM) - cộng đồng về khoa học và giáo dục máy tính lớn nhất thế giới, ra đời từ năm 1947 với gần 100.000 hội viên thuộc giới khoa học công nghệ toàn cầu, tổ chức.

Giải thưởng Công nghiệp ACM SIGAI được trao từ năm 2019 cho đội đoạt giải đầu tiên đến từ Microsoft, do nhà khoa học AI nổi tiếng John Langford (người có chỉ số H-Index 71 – chỉ số ảnh hưởng của các công bố khoa học toàn cầu với hơn 41 ngàn trích dẫn) dẫn dắt. Giải thưởng cho năm 2020 tạm dừng vì đại dịch Covid-19. Năm 2021, giải được tái khởi động và vinh dự được trao cho một sản phẩm Make-in Việt Nam: “DrAid for Radiology” do VinBrain phát triển.

“DrAid for Radiology”– AI Trợ lý Bác sĩ cho Chẩn đoán hình ảnh y tế là sản phẩm đầu tay của VinBrain và cũng là sản phẩm AI hoàn chỉnh đầu tiên của y tế Việt Nam ra mắt phiên bản đầu tiên vào ngày 14/06/2020. Sản phẩm có khả năng phát hiện, sàng lọc trên 21 dấu hiệu bất thường và bệnh lý về Phổi – Tim – Xương trong vòng 5 giây với độ chính xác trên 89%; đồng thời có thể chia sẻ kết quả chẩn đoán thông qua QR code hoặc đường link. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng tự cảnh báo COVID-19, kể cả các trường hợp không có triệu chứng hoặc tổn thương phổi nhẹ dựa trên X-quang ngực thẳng, kết hợp cùng xét nghiệm PCR giúp nâng cao độ chính xác, giảm thiểu tình trạng âm tính giả... DrAid cũng nổi bật với tính năng “Hỏi ý kiến Bác sĩ thứ 2 (từ xa)”. Thông qua việc chia sẻ hình ảnh trực tiếp từ DrAid, bác sỹ có thể hội chẩn từ xa với đồng nghiệp hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia đầu ngành mà không bị ảnh hưởng bởi rào cản địa lý.

Chú thích ảnhXquang phổi.

DrAid được Ban giám khảo ACM SIGAI đánh giá cao vì sản phẩm đã kết hợp và ứng dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo như phân loại nhiều lớp, suy luận theo cấu trúc cục bộ đến tổng quan, học chủ động, đào tạo đối nghịch, mạng nơ ron tích chập phức hợp, nhận dạng giọng nói cho chỉnh sửa báo cáo Y tế tự động, khoanh vùng tổn thương trên ảnh Y tế với kiến thức máy học sử dụng công nghệ cao AI dựa trên mô hình với hàng trăm triệu tham số điểm ảnh (pixel) và dữ liệu lớn hàng triệu ảnh với mỗi ảnh có hàng triệu điểm ảnh (pixel), cùng nhiều kỹ thuật khác tạo nên một dịch vụ trí tuệ nhân tạo phục vụ Y tế toàn diện.

Cộng đồng các nhà khoa học nổi tiếng thế giới cũng đánh giá cao DrAid nhất là về mặt ứng dụng thực tiễn. Trong đó có các gương mặt đặc biệt xuất sắc gồm: Giáo sư Andrew Ng – Top 4 nhà khoa học AI thế giới, Đại học Stanford. Giáo sư Andrew Ng cũng là người đồng sáng lập Google Brain và Coursera và tiên phong cho gịáo dục AI trực tuyến có ảnh hưởng tới 77 triệu người dùng. Ngoài ra, còn kể đến Giáo sư, Bác sĩ đầu nghành Chẩn đoán hình ảnh y tế Curtis Langlotz - Đại học Stanford; Giáo sư Al Pisano - Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Jacobs, Đại học California San Diego (UCSD), đồng Chủ tịch Hội đồng Sơ khảo VinFuture Prize...

Là sản phẩm duy nhất được trao giải năm 2021, DrAid đã chứng minh năng lực cũng như vị thế tiên phong của VinBrain trong ứng dụng AI vào chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam, khẳng định khả năng cạnh tranh ngang bằng với các sản phẩm công nghệ cùng ngành trên thế giới. Hiện DrAid đang được triển khai tại 84 bệnh viện và cơ sở y tế Việt Nam, bao gồm các bệnh viện hàng đầu như Bệnh viện TW Huế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, Bệnh viện TW Thái Nguyên….

 

Nguồn bài viết