Nhằm chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại và tăng cường công tác quản lý đất đai trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị quản lý chặt chẽ quỹ đất đai trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý những trường hợp cho thuê, cho mượn trái phép, sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, không lập hồ sơ cho thuê đất công ích hoặc hồ sơ không đầy đủ, rõ ràng, không thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
Các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, kiểm tra, đối chiếu sự phù hợp giữa quy hoạch đất đai với các quy hoạch khác trên địa bàn để kiến nghị điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch theo thẩm quyền cho phù hợp với tình hình thực tế, sớm khắc phục tình trạng "quy hoạch treo", "dự án treo", đảm bảo người dân được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các đơn vị chủ động nắm chắc tình hình quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Tất cả những hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý dứt điểm, kịp thời ngay từ khi mới phát sinh. Kiên quyết xử lý tình trạng xây dựng nhà ở, các công trình trái phép trên đất nông nghiệp, hình thành các khu dân cư tự phát trái quy định, lấn chiếm đất đai trái phép của các dự án. Địa phương nào để xảy ra vi phạm về đất đai phức tạp hoặc buông lỏng trong lãnh đạo, quản lý, chậm phát hiện hoặc không cương quyết trong xử lý vi phạm thì người đứng đầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương tiến hành công tác điều tra, khoanh định các khu vực có khả năng sạt lở đất cao, nguy cơ đe dọa tính mạng, tài sản của người dân; chủ động bố trí quỹ đất và có kế hoạch cụ thể để di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Giải quyết kịp thời, triệt để các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai ngay từ cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, tình hình quản lý đất đai của tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, chất lượng chưa cao; công tác chỉnh lý hồ sơ địa chính, thực hiện giao dịch điện tử, đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa kịp thời; việc kiểm tra, giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình còn lỏng lẻo, nhiều trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng nhưng chưa được xử lý. Bên cạnh đó, tình trạng lấn, chiếm đất công, đất của các dự án, sử dụng đất sai mục đích vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các địa bàn có tiềm năng phát triển các dự án bất động sản, du lịch, năng lượng tái tạo hoặc tại các khu vực chuẩn bị triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng...
Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, Bình Thuận đã xử lý nhiều vụ lấn chiếm đất công và tổ chức cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu. Trong đó có vụ của bà Trần Thị Ngọc Nữ lấn chiếm 15.817 m2 tại khu phố Long Sơn (phường Mũi Né, thành phố Phan Thiết). Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đã có quyết định xử phạt bà Nữ 100 triệu đồng và tiến hành cưỡng chế, thi hành quyết định xử phạt. Cơ quan chức năng đang tiến hành xử lý tình trạng lấn chiếm, xây dựng công trình không phép trên đèo Đại Ninh (Quốc lộ 28B, huyện Bắc Bình).
Tình trạng người dân tự ý chiếm đất, xây dựng công trình không phép diễn ra nhiều nơi trên địa bàn tỉnh. Vấn đề này nếu không được xử lý dứt điểm sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai của tỉnh và gây khó khăn trong kêu gọi thu hút đầu tư.