Tại hội nghị, ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Nam cho biết, trong đợt dịch lần thứ 4, trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã ghi nhận 62 ca bệnh, trong đó có 50 ca đã khỏi bệnh. Trong tổng số 12 ca đang điều trị, có 2 ca mới được phát hiện vào ngày 24/7. Cả 2 ca này đều là công dân huyện Lý Nhân trở về từ các địa phương có dịch là Phú Yên và Hà Nội.
Toàn tỉnh hiện có 1.160 trường hợp đang cách ly phòng chống dịch, có 2 khu vực đang thực hiện phong tỏa là khu vực dân cư thuộc thôn 1, xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng và thôn Sàng, xã Đạo Lý huyện Lý Nhân.
Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, phù hợp. Toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm việc ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch; tổ chức giám sát, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm tất cả các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ; rà soát, quản lý các đối tượng có nguy cơ cao; xây dựng bản đồ an toàn COVID-19 trong các khu công nghiệp; xây dựng phương án, kịch bản phòng, chống dịch trong khu công nghiệp; xây dựng phương án cách ly tập trung đáp ưng cho khoảng 5.000 người; triển khai có hiệu quả các Tổ COVID-19 cộng đồng; thực hiện điều tra, giám sát dịch tễ người về từ các vùng có dịch, đặc biệt là từ Thành phố Hồ Chí Minh…
Song tình hình dịch COVID-19 vẫn đang hết sức phức tạp. Một số tỉnh, thành phố tiếp giáp với Hà Nam có số ca mắc COVID-19 mới liên tục tăng như: Hưng Yên, Hà Nội, Nam Định. Một số tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội và cách ly xã hội, trong đó Hà Nội thực hiện Chỉ thị 16 từ ngày 24/7. Mặt khác, nhiều tỉnh, thành yêu cầu khi vào địa phương phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 3 ngày gây áp lực cho ngành y tế trong xét nghiệm. Mặc dù cộng đồng đã có ý thức trong phòng, chống dịch nhưng việc thực hành 5K theo hướng dẫn của cơ quan y tế còn chưa bảo đảm, chưa đúng cách, chưa nghiêm ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Nhiều người dân còn lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch….
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp tăng cường, siết chặt công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh như: siết chặt quản lý, hướng dẫn cách ly, lấy mẫu xét nghiệm người đi về từ các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16; cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của tổ chức đoàn thể cơ sở, các Tổ COVID-19 cộng đồng trong phòng, chống dịch; chuẩn bị các kịch bản ứng phó trong tình hình dịch bệnh có diễn biến xấu…
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy đề nghị các cấp, ngành và các địa phương phải tập trung thực hiện là quản lý chặt chẽ những người từ vùng dịch về, nhất là các địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16. Đối với các khu, cụm công nghiệp, phải có kịch bản, phương án cụ thể để quản lý công nhân, chuyên gia ngoại tỉnh đi về trong ngày. Đồng thời chuẩn bị các phương án tổ chức chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khi có đủ lượng vaccine, đặc biệt quan tâm tiêm cho các công nhân khu công nghiệp, thành viên các Tổ COVID-19 cộng đồng; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phát huy hiệu quả hệ thống loa phát thanh cơ sở để nâng cao ý thức phòng chống dịch trong người dân; tiếp tục vận động các nguồn tài trợ, ủng hộ xã hội hóa đầu tư trang thiết bị vật tư y tế, kinh phí phục vụ công tác phòng chống dịch và quỹ vắc xin phòng COVID-19 của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cũng yêu cầu huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch. Các đồng chí Bí thư cấp ủy phải trực tiếp chịu trách nhiệm cao nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ tịch UBND phải chịu trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo điều hành trực tiếp. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội vào cuộc quyết liệt...
Bà Lê Thị Thủy nhấn mạnh, tỉnh Hà Nam đặt mục tiêu giữ vững thành quả của công tác phòng, chống dịch, không để dịch lây lan vào địa bàn, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép là đảm bảo phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.