Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức bảo vệ môi trường

1 năm trước 118
Chú thích ảnhTrưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức VUSTA Lê Thanh Tùng phát biểu khai mạc. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Thạc sỹ Lê Thanh Tùng, Trưởng ban Truyền thông và Phổ biến kiến thức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Luật Bảo vệ môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022. Ngay trong tháng 1/2022, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định hướng dẫn thi hành là Nghị định 06/2022/NĐ-CP Quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô - dôn và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư 01/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành luật bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu và Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường.

Như vậy, cơ bản các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành đầy đủ, kịp thời ngay khi Luật có hiệu lực thi hành. Các hoạt động bảo vệ môi trường nói chung và truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Ngoài việc thực hiện chương trình dự án về môi trường, thời gian qua, hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức về bảo vệ môi trường tới Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chủ yếu tập trung vào các nội dung như: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tổ chức các hoạt động tuyên truyền về ngày Môi trường thế giới, ngày Đa dạng sinh học; tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức về Nước, Làm sạch thế giới…

Chú thích ảnhPGS.TS Lê Văn Trình - Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật An toàn vệ sinh Lao động Việt Nam tham luận về tác động của môi trường đến cuộc sống. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Về công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường, Giáo sư, Tiến sỹ Lê Vân Trình, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động Việt Nam cho biết, công tác bảo vệ môi trường nói chung và công tác giáo dục, đào tạo và nâng cao nhận thức về môi trường nói riêng đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm từ nhiều năm nay và có những chủ trương, biện pháp giải quyết các vấn đề môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Giáo dục môi trường và nâng cao nhận thức về môi trường cho cộng đồng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Bởi lẽ cộng đồng là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi môi trường sống của chính họ, họ vừa là nguyên nhân vừa là người gánh chịu hậu quả những vấn đề môi trường. Khi được nâng cao nhận thức, kiến thức về bảo vệ môi trường sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Công tác này thường được thực hiện thông qua các hoạt động xã hội, các tổ chức quần chúng, các đoàn thể chính trị - xã hội để từng bước tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, điều này có nghĩa là huy động các nhân tố thị trường và cộng đồng dân cư vào các mặt hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Chú thích ảnhTS Lê Công Lương - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Khoa học, công nghệ và môi trường Liên Hiệp hội Việt Nam tham luận về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Từ những điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường 2022 và Văn bản hướng dẫn thi hành Luật, nhà báo Phạm Thị Mỵ, Tổng biên tập Tạp chí Sức khỏe và môi trường chia sẻ, thời gian qua Tạp chí chọn truyền thông phổ biến kiến thức một số điểm mới liên quan đến 4 nhóm vấn đề như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Trên cơ sở thay đổi này, Tạp chí cũng đã xây dựng Chuyên đề tương ứng với những Chuyên mục: khoa học công nghệ, môi trường, phản biện…; xây dựng hệ thống tin bài, có khảo sát từ thực tiễn một số địa phương để minh chứng cho chuyên đề. 

Chú thích ảnhQuang cảnh hội thảo. Ảnh: Hoàng Hiếu/TTXVN

Tại hội thảo, các chuyên gia, đại diện các hội thành viên trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cũng thảo luận đến phổ biến kiến thức bảo vệ, khai thác sử dụng tài nguyên nước ở Việt Nam; nâng cao năng lực tham gia  bảo vệ môi trường cho cán bộ các hội thành viên trong hệ thống, qua đó đề xuất các giải pháp tuyên truyền, thông tin bảo vệ môi trường ven biển và đại dương ở Việt Nam trong tương lai.

Nguồn bài viết