Nguồn lực vô tận từ đổi mới sáng tạo - Bài cuối: Khơi nguồn bằng chính sách

6 tháng trước 77
Chú thích ảnhCác học viên thực hành lập trình và vận hành Robot tại Trung tâm Đào tạo khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN phát

Trong xu thế phát triển của toàn cầu, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Một hệ thống chính sách pháp luật toàn diện, hiệu quả sẽ là điểm tựa vững vàng, khơi nguồn lực vô tận cho đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo.

Cập nhật yêu cầu thực tiễn

Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 - văn bản pháp luật quan trọng nhất của ngành Khoa học và Công nghệ được Quốc hội Khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 5, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2014. Sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống, Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tạo hành lang pháp lý cơ bản và quan trọng cho việc tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ. 

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Luật được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu. Các chủ thể tham gia hoạt động khoa học và công nghệ chủ yếu đến từ khu vực viện nghiên cứu, trường đại học công lập. Hoạt động đổi mới, ứng dụng công nghệ, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, nhất là trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh tuy đã được quan tâm nhưng chưa trở thành xu thế phổ biến.

Vấn đề liên quan tới doanh nghiệp - chủ thể quan trọng nhất trong hoạt động đổi mới sáng tạo - ứng dụng, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, tạo ra giá trị gia tăng và của cải, vật chất cho xã hội dù đã được đề cập trong Luật nhưng mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung. Sau 10 năm triển khai, bối cảnh trong nước và quốc tế đã có nhiều thay đổi, tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, Luật được ban hành từ năm 2013 nên không thể tránh khỏi việc chưa cập nhật được những vấn đề mới khi khoa học và công nghệ trong nước và thế giới phát triển quá nhanh, nhất là trong khoảng 5 năm gần đây. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Bên cạnh đó, Nghị định số 28/2023/NĐ-CP ngày 2/6/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ: Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bao gồm: Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn đo lường chất lượng; năng lượng nguyên tử, an toàn bức xạ và hạt nhân; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong lĩnh vực thuộc bộ quản lý theo quy định của pháp luật. Lần đầu tiên, một văn bản chính sách pháp luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với lĩnh vực đổi mới sáng tạo. 

Như vậy, quá trình sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ 2013 cần gắn chặt với đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo để vừa tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, vừa đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển ngành Khoa học và Công nghệ trong nước, khu vực cũng như trên thế giới hiện nay. 

Phù hợp xu thế thời đại

Trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, Bộ đã đề nghị một số nội dung liên quan đến lĩnh vực đổi mới sáng tạo như: Sửa đổi, bổ sung quy định về đầu tư, tài chính phục vụ phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cụ thể, bổ sung mục đích chi ngân sách nhà nước cho hoạt động đổi mới sáng tạo; đầu tư của doanh nghiệp cho hoạt động đổi mới sáng tạo; sửa đổi khái niệm về doanh nghiệp khoa học và công nghệ; bổ sung quy định về phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; hoàn thiện chính sách ưu đãi với 2 loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; sửa đổi quy định về phạm vi hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.

Đối với thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, mục tiêu của chính sách nhằm thể chế hóa các định hướng của Đảng, chính sách nhà nước về phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tạo hành lang pháp lý cho thử nghiệm chính sách mới trong nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển công nghệ. Cùng với đó, sửa đổi thuật ngữ “đổi mới sáng tạo”; bổ sung các thuật ngữ liên quan đến “đổi mới sáng tạo” và các điều quy định chung về chính sách phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; bổ sung quy định về phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các khu dịch vụ tập trung, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.

Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, quá trình xây dựng Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) cần chú trọng việc mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh của Luật theo hướng: Bổ sung hoạt động đổi mới sáng tạo và đối tượng tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo (thực chất là các hoạt động thúc đẩy ứng dụng, thương mại hóa, biến kết quả khoa học và công nghệ thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mới, mang lại giá trị gia tăng cho đời sống, xã hội, người dân).

Bên cạnh đó, đưa thêm các quy định liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các cơ sở giáo dục đại học để thể hiện đúng vai trò là chủ thể chính của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia trong hoạt động tạo ra tri thức và cung cấp dịch vụ tri thức cho xã hội, doanh nghiệp; chú trọng tới chủ thể thực sự của hoạt động đổi mới sáng tạo là các doanh nghiệp; phát huy vai trò then chốt của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động từ nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa kết quả khoa học và công nghệ cho tới sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là kết quả khoa học và công nghệ; từ đó, có các giải pháp thúc đẩy phù hợp.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cũng cho rằng, việc chuyển dịch hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia cần theo hướng thực sự lấy doanh nghiệp là trung tâm, viện/trường là chủ thể nghiên cứu mạnh, đi đôi với việc tái cân đối nguồn lực cả từ ngân sách nhà nước và nguồn lực xã hội đủ để thực hiện có hiệu quả định hướng chính sách này.

Đồng thời, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo thuận lợi, hấp dẫn hơn, cạnh tranh được với khu vực và quốc tế, có năng lực thúc đẩy kết nối, hợp tác đối tác mạnh hơn ở trong nước và với các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo năng động khác trên thế giới, đạt mục tiêu khuyến khích sự ra đời và phát triển mạnh mẽ hơn các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thế hệ mới, dựa trên công nghệ, có tiềm năng tăng trưởng nhanh, khẳng định được vị trí trên thị trường trong nước và vươn ra quốc tế, có thể trở thành các doanh nghiệp trưởng thành lớn mạnh trong tương lai. 

Quá trình xây dựng Luật cũng cần chú ý yếu tố nâng cao tiềm lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: hoàn thiện chính sách đối với nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tổ chức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tài chính cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, hạ tầng kỹ thuật cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, thông tin khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phổ biến và lan tỏa tri thức trong cộng đồng; hoàn thiện quy định về: các công cụ, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, dự án đổi mới sáng tạo; đánh giá chương trình, đề tài, dự án khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đánh giá tổ chức khoa học và công nghệ và tổ chức thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp; thúc đẩy thương mại hóa và phát triển thị trường công nghệ.

Đảng và Nhà nước luôn xác định vai trò nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; coi đây là đột phá chiến lược, động lực chính để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, phù hợp với xu thế thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Nguồn bài viết