Theo kịch bản diễn tập, người dân đang phá dỡ phế liệu ở một cơ sở thu mua phế liệu tại phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong quá trình phá dỡ thiết bị phế liệu, người dân phát hiện một khối kim loại nhỏ có tem màu vàng cảnh báo phóng xạ đã bị tháo dỡ ra từ một thiết bị cũ. Đó là biểu tượng hình quạt 3 cánh.
Ngay sau đó, người dân đã dừng việc phá dỡ, báo cáo sự việc cho lực lượng chức năng phường Tân Phong. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, lực lượng chức năng phường đã báo cáo cho Ban Chấp hành ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân tỉnh.
Nhận được tin báo, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh lập tức khởi động kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ cấp tỉnh. Theo đó, Ban Chỉ huy ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân tỉnh đến hiện trường và tổ chức ứng phó sự cố, kiểm tra nhiễm bẩn phóng xạ, xác định nguồn phóng xạ, thu hồi nguồn phóng xạ.
Lực lượng cán bộ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Nai diễn tập xác định nguồn phóng xạ.Ông Huỳnh Minh Hậu, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai cho biết, những sự cố bức xạ hạt nhân dù hiếm gặp vẫn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Việc tổ chức đào tạo để nâng cao nhận thức về an toàn bức xạ, cũng như chuẩn bị lực lượng dự bị sẵn sàng ứng phó sự cố là rất cần thiết.
Chương trình diễn tập ứng phó với sự cố bức xạ và hạt nhân không chỉ nhằm trang bị kỹ năng thực hành xử lý sự cố, còn rèn luyện khả năng phối hợp, đánh giá tình huống, đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác trong những hoàn cảnh khẩn cấp. Đây là cơ hội để mỗi cá nhân củng cố năng lực, tăng cường sự tự tin và phát huy tối đa tinh thần trách nhiệm.
"Mỗi tình huống diễn tập không chỉ là bài kiểm tra kiến thức, còn là một cuộc chay đua với thời gian, đòi hỏi sự tập trung cao độ, sáng tạo và phối hợp hiệu quả. Chúng ta không chỉ diễn tập cho chính mình mà còn vì sự an toàn và hạnh phúc của cộng đồng", ông Huỳnh Minh Hậu nhấn mạnh.
Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Nai, diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng xã hội trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố trên địa bàn.